06:02, 22/02/2018

Phổ cập giáo dục vùng khó khăn: Những bước đi vững chắc

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, tập trung nâng cao trình độ tiếng Việt, giảm tỷ lệ bỏ học đối với học sinh (HS) người dân tộc thiểu số (DTTS)...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp


Những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các vùng khó khăn và vùng có đông đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được đánh giá là có sự chuyển biến tích cực theo hướng vững chắc. Các trường tiểu học, THCS đã thực hiện các biện pháp phân hóa trình độ HS ngay từ đầu năm học, xây dựng kế hoạch và tiến hành bồi dưỡng, phụ đạo, ôn tập cho HS yếu kém, thực hiện tốt công tác phổ cập trong nhà trường. Nhờ đó, tỷ lệ HS tiểu học, THCS lưu ban giảm dần qua các năm, tỷ lệ HS người DTTS bỏ học giảm còn dưới 1%. Tỷ lệ HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học và HS lớp 9 tốt nghiệp THCS trong 5 năm học gần đây đều đạt hơn 99%.

 

Một tiết học tại Trường THCS Chu Văn An (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh).

Một tiết học tại Trường THCS Chu Văn An (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh).


Việc huy động trẻ ra lớp tiểu học thực hiện tốt, trong đó trẻ DTTS đạt tỷ lệ hơn 99%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt hơn 99%, huy động HS hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,34%, HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 đạt 80%. Tỷ lệ HS DTTS được vào học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) so với tổng số HS DTTS trong toàn tỉnh ở cấp THCS bình quân trên 20% và cấp THPT bình quân 16%. Các địa phương cũng tổ chức tốt dạy học 2 buổi/ngày, tăng thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết ở những lớp 1 có HS DTTS được học 2 buổi/ngày.


Một trong các biện pháp có tính chiến lược để chủ động khắc phục tình trạng HS bỏ học ở các vùng đồng bào DTTS là xây dựng cơ sở vật chất. Những năm qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp và xây mới trường, lớp. Trong đó, đầu tư xây mới Trường Phổ thông DTNT Khánh Sơn với kinh phí 57,2 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp Trường Phổ thông DTNT Khánh Vĩnh gần 24 tỷ đồng, cải tạo Trường Phổ thông DTNT Cam Ranh 2,43 tỷ đồng; cải tạo Trường Phổ thông DTNT tỉnh 1,1 tỷ đồng; triển khai xây dựng Trường Phổ thông DTNT Ninh Hòa hơn 36 tỷ đồng...


Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định, tỉnh còn hỗ trợ tiền ăn trưa, học bổng cho tất cả HS người DTTS từ bậc mầm non cho đến đại học.


Còn nhiều khó khăn


Tuy đã có nhiều cố gắng, song theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc nâng cao chất lượng giáo dục ở HS DTTS chuyển biến còn chậm, tỷ lệ lưu ban còn cao. Nguyên nhân đầu tiên là do không tuyển được giáo viên địa phương, giáo viên công tác tại các vùng khó khăn hết thời gian quy định thường xin chuyển công tác khiến đội ngũ giáo viên biến động và luôn trong tình trạng thiếu hụt. Mặt khác, cuộc sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn nên nhiều gia đình chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em. Ngoài ra, vốn tiếng Việt của trẻ em DTTS tại các vùng khó khăn còn hạn chế nên các em khó tiếp thu bài, ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng học tập. Một số cán bộ quản lý nhà trường cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tuy đã từng bước được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nhiều phòng chức năng. Công tác phổ cập giáo dục THCS tuy được duy trì đạt chuẩn theo kế hoạch nhưng chưa bền vững ở 2 huyện miền núi.


Thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Trong đó, quan tâm các trường có HS người DTTS như: triển khai dạy học 2 buổi/ngày và bán trú; triển khai tốt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, HS tiểu học vùng DTTS. Bên cạnh đó, ngành thực hiện đúng chế độ chính sách, chăm lo tốt đời sống cho giáo viên; quan tâm công tác tuyển dụng, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Đồng thời, phấn đấu giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học xuống mức thấp nhất, đặc biệt là các HS DTTS tại vùng sâu, vùng xa. Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS...


T.VIỆT