05:01, 19/01/2018

Hướng đi nào cho các trung tâm học tập cộng đồng?

Được coi là thiết chế giáo dục, có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng xã hội học tập từ xã, phường, thị trấn, nhưng hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng những năm qua vẫn còn rất mờ nhạt.

Được coi là thiết chế giáo dục, có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng xã hội học tập từ xã, phường, thị trấn, nhưng hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) những năm qua vẫn còn rất mờ nhạt. Xây dựng mô hình điểm trung tâm HTCĐ kết hợp với trung tâm văn hóa - thể thao xã đang là một trong những hướng đi nhằm tạo chuyển biến cho hoạt động của các trung tâm HTCĐ.


Còn nhiều hạn chế


Từ chỗ chỉ có 35 trung tâm HTCĐ ở 35 xã, phường, thị trấn vào năm 2001 - 2004, đến năm 2014, hệ thống mạng lưới này đã phủ kín 137 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm HTCĐ đã từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên và suốt đời. Một số trung tâm, nhất là ở các xã nông thôn đã phát huy hiệu quả trong việc tổ chức cho người dân học tập các chuyên đề về văn hóa, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân tăng năng suất lao động, phát triển cây trồng, vật nuôi; góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.

 

Dự kiến sẽ xây dựng mô hình điểm Trung tâm học tập cộng đồng - Văn hóa thể thao xã.

Dự kiến sẽ xây dựng mô hình điểm Trung tâm học tập cộng đồng - Văn hóa thể thao xã.


Từ năm 2013 đến nay, các trung tâm tổ chức hơn 6.000 lớp chuyên đề cho hơn 600.000 lượt người tham gia học tập. Từ đó, góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về xóa mù chữ (trong đó độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ đạt khoảng 98%) cũng như củng cố kết quả phổ cập giáo dục các cấp và xây dựng xã hội học tập. Tỷ lệ trung tâm HTCĐ được đánh giá, xếp loại tốt cũng tăng dần qua từng năm. Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 97 trung tâm HTCĐ được xếp loại tốt, đạt 70,8%; 30 trung tâm xếp loại khá, chiếm 21,9% và 10 trung tâm xếp loại trung bình, chiếm 7,3%.


Tuy nhiên, so với nhiệm vụ và mục tiêu đề ra thì các trung tâm vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của đa số trung tâm HTCĐ còn nghèo nàn, thiếu thốn. Hàng năm, mỗi trung tâm được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên là 44 triệu đồng, nhưng trong đó 2/3 là phục vụ chi trả phụ cấp cho ban quản lý, số ít còn lại để tổ chức các hoạt động nên hiệu quả rất thấp. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý của các trung tâm hầu hết là cán bộ đương chức kiêm nhiệm, ít cho thời gian dành cho hoạt động của trung tâm. Hoạt động của các trung tâm HTCĐ được đánh giá là chỉ hiệu quả ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, còn ở địa bàn thành thị, người dân không mấy mặn mà tìm đến các trung tâm này vì nhu cầu đối với các hoạt động như: xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, dạy nghề... ít hơn và điều kiện tiếp xúc với các loại hình học tập khác dễ dàng hơn. Trong khi đó, đối với nhiều ngành nghề mà xã hội đang cần thì các trung tâm HTCĐ không đủ cơ sở, điều kiện để tổ chức mở lớp...


Đâu là giải pháp?


Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, sở đã chỉ đạo ban quản lý các trung tâm HTCĐ tiếp tục rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực, quản lý. Sự năng nổ, nhiệt tình, chủ động trong việc tìm tòi cái mới, cái hay của ban quản lý là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm HTCĐ. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, ban quản lý trung tâm phải chủ động trong việc huy động kinh phí từ các đề án, chương trình kinh tế - xã hội được triển khai tại địa phương, các nguồn huy động xã hội hóa… để bảo đảm có đủ nguồn lực tổ chức các hoạt động. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để cùng thống nhất kế hoạch hoạt động, tránh chồng chéo...


Tại hội thảo về vấn đề xây dựng và phát triển các trung tâm HTCĐ trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày 15 và 16-1 do Hội Trí thức tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến nhất trí với giải pháp xây dựng mô hình điểm trung tâm HTCĐ kết hợp với trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã. Bởi hoạt động của 2 loại hình trung tâm đều nhằm tạo điều kiện cho mọi người được phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; được học tập thường xuyên và suốt đời; được nâng cao kiến thức về các mặt, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống... Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm HTCĐ trên địa bàn tỉnh” thuộc kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2017, được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, ban thực hiện đề tài sẽ tiếp tục làm việc, thảo luận và dự kiến trình UBND tỉnh cho tổ chức thực nghiệm mô hình điểm trung tâm HTCĐ - Văn hóa thể thao xã tại 4 địa bàn đại diện cho từng khu vực thành thị, nông thôn, miền núi và ven biển là: phường Vạn Thạnh (TP. Nha Trang), xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh), xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa).


Hy vọng, với những giải pháp và định hướng cụ thể, hoạt động của các trung tâm HTCĐ trong thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc.


H.NGÂN