05:08, 09/08/2018

Giải quyết chính sách cho người nhiễm chất độc hóa học: Không còn hồ sơ tồn đọng

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung giải quyết và không để tồn đọng hồ sơ, thủ tục của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Qua đó góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung giải quyết và không để tồn đọng hồ sơ, thủ tục của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Qua đó góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng.


Bà Trịnh Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng luôn được ngành thực hiện nghiêm túc. Các hồ sơ, thủ tục của người dân đề nghị giải quyết chế độ nhiễm chất độc hóa học đều được thẩm định, giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Từ đầu năm 2018 đến nay, sở đã tiếp nhận, thẩm định và giới thiệu 11 người qua Sở Y tế thực hiện giám định y khoa, trong đó có 7 người kết luận mắc 1 trong 15 bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, 4 người không đủ điều kiện theo quy định. Tất cả những người có kết luận đã được sở ban hành quyết định hưởng trợ cấp hàng tháng. Hiện nay, toàn tỉnh không có hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đủ điều kiện tồn đọng tại sở.

 

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm gia đình các nạn nhân.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm gia đình các nạn nhân.

 

Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 1.974 hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 1.791 người với số tiền hơn 3 tỷ đồng, trong đó, 1.558 người là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 233 người là con đẻ của họ.

Việc chi trả chế độ được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, minh bạch, kịp thời và đúng đối tượng. Hàng năm, Đảng, Nhà nước, địa phương luôn điều chỉnh tăng mức chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, góp phần nâng cao mức sống, tạo điều kiện cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vươn lên, ổn định cuộc sống. Ông Cao Hồ Sơn (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) có 5 người con đều bị di chứng của chất độc da cam/dioxin. Ông Sơn chia sẻ: “Buồn lắm, nhưng tôi phải chấp nhận số phận, cố gắng để nuôi các con. Chính nhờ khoản trợ cấp hàng tháng mà gia đình tôi phần nào vơi bớt khó khăn. Thuốc men hàng ngày cũng đã có Nhà nước hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế”.


Theo lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, hiện nay, hầu hết hồ sơ của những người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đủ điều kiện về mặt pháp lý đều đã được các ngành chức năng thẩm định, nhanh chóng giải quyết chế độ cho các đối tượng. Đối với những người tham gia chiến đấu nhưng không giữ được giấy tờ gốc nên vẫn chưa được công nhận để hưởng chế độ, phần lớn những trường hợp này đã được các ngành chức năng trả lời cụ thể theo quy định. Bên cạnh đó, một số chế độ cụ thể dành cho người nhiễm chất độc hóa học chưa phù hợp; trợ cấp hàng tháng cho thế hệ thứ 2 còn thấp; một số người là thế hệ thứ 3 bị phơi nhiễm vẫn chưa được hưởng trợ cấp... Hội mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao mức sống cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.


PHÚ AN