06:07, 09/07/2018

Dự trữ 35.230kg lương thực, thực phẩm phòng, chống thiên tai

Sở Công Thương vừa ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm 2018. Ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở cho biết:

Sở Công Thương vừa ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm 2018. Ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở cho biết:

 


- Việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai có ý nghĩa quan trọng trong việc cung ứng kịp thời hàng hóa cho các khu vực bị ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, là các khu vực trọng điểm, xung yếu dễ bị cô lập, chia cắt. Khi xảy ra thiên tai, các địa phương cần chủ động triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa cứu trợ, trong trường hợp cần thiết Sở Công Thương thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh huy động trưng mua lương thực, thực phẩm, hàng bách hóa, xăng dầu, hàng tiêu dùng thiết yếu trong các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng cho người dân trong mùa mưa bão, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có khả năng bị ngập úng kéo dài.


- Năm nay, sở đã dự trữ số lượng hàng hóa như thế nào, thưa ông?  


- Căn cứ vào điều kiện cụ thể và nhu cầu thực tế, kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm nay vẫn tập trung vào các mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, nước uống, nhiên liệu. Về lương thực, thực phẩm, sở tổ chức dự trữ khoảng 20.735kg lương thực (trong đó có 13.050kg gạo; 58.000 gói mì tôm; 7.250 gói lương khô) và 14.500kg thực phẩm (trong đó có 8.700kg đồ hộp). Ngoài ra, còn dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như: 58.000 chai nước uống; 323 lít xăng; 2.030 lít dầu hỏa; 1.933 chiếc chiếu; 1.933 chiếc màn tuyn… Phần lớn các hàng hóa được dự trữ ở kho doanh nghiệp, chỉ có 2.000kg gạo được dự trữ ở kho tỉnh.


Đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, hàng hóa dự trữ được Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Sơn, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Vĩnh phân phối về cho các cửa hàng thương mại ở các xã, thị trấn để các đơn vị chủ động nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tại chỗ của người dân khi xảy ra bão lụt, chia cắt. Hàng hóa dự trữ của 2 huyện gồm: gạo, nước uống, muối, dầu ăn, đường, mì tôm… với tổng kinh phí khoảng 1,4 tỷ đồng (huyện Khánh Sơn 500 triệu đồng, huyện Khánh Vĩnh 900 triệu đồng).


- Việc tổ chức cung ứng hàng hóa khi xảy ra thiên tai được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Khi xảy ra thiên tai, các doanh nghiệp, đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp hàng hóa chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, phương tiện vận chuyển sẵn sàng thực thi nhiệm vụ; tiếp cận và cung ứng kịp thời cho người dân bị chia cắt, cô lập. Để việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm đạt hiệu quả, kịp thời và tới đúng đối tượng, khu vực cần thiết nhất khi xảy ra thiên tai, bão lũ, Sở Công Thương phối hợp với các địa phương xác định rõ những địa bàn trọng yếu để từ đó xây dựng kế hoạch cung ứng, phân bổ hàng hóa cho phù hợp, trong đó ưu tiên các khu vực khó khăn, hạ tầng thương mại, giao thông chưa phát triển.


Thời gian qua, công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu của ngành Công Thương còn gặp khó khăn do không có kho lớn, nguồn dự trữ phụ thuộc vào kho của các doanh nghiệp. Do đó, khi thiên tai kéo dài, xảy ra trên diện rộng hoặc trong trường hợp thiên tai gây thiệt hại nặng, nguồn dự trữ hàng hóa của địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, sở sẽ đề nghị UBND tỉnh và Bộ Công Thương huy động sự hỗ trợ từ các địa phương khác.


- Xin cảm ơn ông!


 H.DUNG (Thực hiện)