09:07, 06/07/2018

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối thoại với người nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh

Ngày 5-7, tại Hội trường UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với gần 100 người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh bị thiệt hại về thủy sản do cơn bão số 12 (năm 2017) gây ra.
 

 

Ngày 5-7, tại Hội trường UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với gần 100 người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh bị thiệt hại về thủy sản do cơn bão số 12 (năm 2017) gây ra.
 
 
Tại cuộc đối thoại, rất nhiều ý kiến người dân phản ánh những vấn đề liên quan đến việc khắc phục hậu quả cơn bão số 12, đặc biệt là việc hỗ trợ nuôi trồng thủy sản. Theo bà Trần Thị Yến - thôn Tân Đức (xã Vạn Lương), năm 2017 gia đình có vay ngân hàng 2 tỷ đồng để thả nuôi hơn 1.120 ô bè tôm, mỗi tháng trả cả vốn lẫn lãi gần 18 triệu đồng. Tuy nhiên, sau bão gia đình bị mất trắng, không có tiền để trả lãi ngân hàng. “Tôi nghe Chính phủ có chủ trương khoanh giãn nợ cho bà con nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, gia đình cũng làm các thủ tục liên quan. Thế nhưng sau bão đến nay, hàng tháng, ngân hàng đều đòi nợ cả gốc lẫn lãi, gia đình hiện không có nguồn thu để trả. Tôi cũng như các hộ gia đình đều mong muốn được giảm lãi ngân hàng, có khoanh, giãn nợ, tạo điều kiện cho người dân tìm kế sinh nhai, ổn định cuộc sống mới có thể từ từ trả nợ”, bà Yến nêu nguyện vọng.
 

 

Quang cảnh cuộc đối thoại.
Quang cảnh cuộc đối thoại.
 
 
Còn bà Trần Thị Tuyết Vân (xã Vạn Hưng) nói: “Hồi giờ chúng tôi không nghe có Nghị định 02, cũng chưa tiếp cận được bao giờ. Khi thiệt hại do bão gây ra bảo chúng tôi kê khai thì chúng tôi làm, nhưng đến nay cũng không nhận được hỗ trợ. Tôi mong cán bộ thấu hiểu lòng dân, hỗ trợ, chia sẻ nỗi đau của người dân. Gia đình tôi cũng chưa có tiền để tái sản xuất, trong khi ngân hàng cứ đến tháng là nhắn tin đòi nợ”.
 
 
Liên quan đến vấn đề này, đại diện các tổ chức tín dụng đã giải thích cho người dân về thủ tục, quy trình khoanh nợ, giãn nợ. Đồng thời, cho biết hiện nay, việc khoanh nợ, giãn nợ đã kiến nghị các cơ quan có chức năng xem xét, giải quyết, trong thời gian tới sẽ công bố rộng rãi để người dân biết kết quả.
 
 

Sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến của người dân, ông Lê Đức Vinh chia sẻ những khó khăn, thiệt hại to lớn của người dân sau cơn bão số 12, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương rà soát để chi hỗ trợ đúng đối tượng, cũng như làm rõ trách nhiệm lãnh đạo các xã lập danh sách sai quy định; công khai những sai phạm để minh bạch cho người dân biết. 

 

Ông Lê Văn Quý: Tôi cùng 150 người dân xã Vạn Hưng có nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Vạn Thạnh. Khi chúng tôi xuống nhờ ký giấy xác nhận mặt bằng nước để vay, gia hạn ngân hàng thì địa phương yêu cầu nộp mỗi người 300.000 đồng, nếu không nộp thì không được xác nhận. Sau khi thu có giấy biên nhận và ghi nội dung là “Ủng hộ ngân sách địa phương”. 
 
Về ý kiến hỗ trợ đối với những trường hợp bị thiệt hại nhưng không đủ điều kiện, ông Lê Đức Vinh khẳng định, mọi quyết định hỗ trợ phải phù hợp với các quy định pháp luật, không thể làm sai, trái quy định. Ông ghi nhận ý kiến của người dân và cho biết sẽ họp khẩn ngay trong chiều cùng ngày để các sở, ban, ngành và địa phương liên quan bàn hướng giải quyết, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sau đó có văn bản công khai trả lời cho người dân biết.
 
 
Liên quan đến vấn đề giãn nợ, khoanh nợ ngân hàng, ông Lê Đức Vinh đề nghị người dân phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn làm các thủ tục hồ sơ cần thiết vì việc hỗ trợ này thuộc thẩm quyền của Chính phủ chứ không thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Ngoài ra, theo phản ánh của người dân, có địa phương đã thu 300.000 đồng/người để xin xác nhận mặt bằng nước trước khi làm các thủ tục để vay ngân hàng, ông Lê Đức Vinh cho biết sẽ yêu cầu địa phương xác minh, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
 
 
THÀNH NAM