10:06, 14/06/2018

Vận động người dân hiến đất làm đường ở Nha Trang:Nhiều giải pháp tích cực

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 17 ngày 31-12-2009 của Thành ủy Nha Trang, thành phố gặp một số khó khăn trong công tác vận động người dân hiến đất làm đường, nên đã có một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) 17 ngày 31-12-2009 của Thành ủy Nha Trang, thành phố gặp một số khó khăn trong công tác vận động người dân hiến đất làm đường, nên đã có một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.


Còn một số khó khăn


Triển khai thực hiện NQ 17 của Thành ủy Nha Trang, giai đoạn 2010 - 2015, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố có người dân hiến đất đã được đầu tư mới theo quy hoạch, làm thay đổi lớn diện mạo các khu dân cư, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị và năng lực giao thông cho thành phố. Có 8 địa phương đã triển khai thực hiện được các dự án đầu tư theo NQ 17 của Thành ủy Nha Trang gồm các phường: Phước Long, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và xã Phước Đồng với 30 công trình đường giao thông, có tổng chiều dài 11.499m với lộ giới đường từ 9m đến 20m. Các địa phương đã vận động 1.778 hộ tự nguyện giải tỏa, với tổng diện tích đất giải tỏa 41.072m2; tổng giá trị phần đóng góp của dân (bao gồm giá trị phần đất và giá trị phần nhà, vật kiến trúc, hoa màu do dân tự nguyện giải tỏa) gần 172,9 tỷ đồng.

 

Tuyến hẻm 35 Sơn Hải (phường Vĩnh Thọ) đăng ký thực hiện theo Nghị quyết 17.

Tuyến hẻm 35 Sơn Hải (phường Vĩnh Thọ) đăng ký thực hiện theo Nghị quyết 17.


Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện NQ 17, thành phố gặp một số khó khăn. Về cơ chế chính sách, việc giải tỏa phần diện tích phạm lộ giới của các hộ mà chỉ đền bù một phần thiệt hại cho người dân không có cơ chế chính sách hướng dẫn cụ thể, chủ yếu bằng phương pháp vận động, thuyết phục và không áp dụng biện pháp cưỡng chế là khó khăn lớn nhất. Trên một tuyến đường hầu hết các hộ đã thống nhất nhưng có 1 - 2 hộ không đồng tình thì không triển khai thực hiện được. Về phía người dân, đối với các hộ bị giải tỏa một phần, giá trị đất cao, giá trị đền bù giải tỏa lớn nên nhiều hộ không đồng tình. Ở một số tuyến đường, địa bàn đa phần là các hộ nghèo, diện tích nhà ở chật hẹp, sau khi giải tỏa đúng chỉ giới khó đảm bảo cuộc sống. Người dân so sánh với một số đường phố khác có giá trị tương đương đã thực hiện được đền bù đầy đủ. Đối với các hộ bị giải tỏa trắng hoặc diện tích còn lại không đủ điều kiện xây dựng, người dân chưa rõ vị trí đất bố trí tái định cư có thuận lợi bằng vị trí cũ không, với các trường hợp này, người dân không thấy lợi ích đem lại từ việc mở rộng đường...


Điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp

 

Giai đoạn 2016 -  2020, TP. Nha Trang đã có một số điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với thực tế như: trước đây, phải 100% hộ tự nguyện giải tỏa mặt bằng còn hiện nay, từ 90% trở lên các hộ thống nhất tự nguyện giải tỏa mặt bằng nhưng phải liên tục trên tuyến đường. Vật kiến trúc, di dời cổng tường rào, chi phí cải tạo mặt tiền trước đây chỉ hỗ trợ 50%, hiện nay hỗ trợ 100%.

Theo ông Lê Hữu Thọ - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả NQ 17 nhằm phát triển mạng lưới giao thông đô thị; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên xã, thôn; góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Qua đó, tăng cường và nâng cao vai trò trách nhiệm của hệ thống chính quyền địa phương về đầu tư và quản lý hệ thống đường giao thông trên địa bàn. Đồng thời, làm cho người dân hiểu và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng và bảo vệ thành quả chung của cộng đồng.


Thành phố đã đề ra một số giải pháp như: xây dựng cơ chế bồi thường hỗ trợ tái định cư đảm bảo tính công bằng, hợp lý nhằm tạo sự đồng thuận của người dân khi triển khai thực hiện; đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ thuộc diện khó khăn; xây dựng các quy định khung chi cho công tác tuyên truyền vận động của các tổ công tác, khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác vận động cũng như các hộ đã tích cực hưởng ứng hiến đất. Mặt khác, rà soát, thống nhất các quy định cụ thể về kinh phí cho công tác đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất, kiểm kê, xác định khối lượng đền bù trong quá trình triển khai thực hiện dự án; xây dựng quy trình triển khai công tác đền bù, giải tỏa làm cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ trên toàn tuyến đường (kể cả các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác: cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, thoát nước thải….) ; xem xét cho tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư đối với các tuyến đường có từ 90% trở lên số hộ trong khu vực đã đồng tình thực hiện NQ 17 nhưng phải bảo đảm số hộ đồng thuận phải liên tục trên suốt tuyến vận động. Chính quyền địa phương tiếp tục vận động số hộ còn lại trong quá trình triển khai thực hiện dự án…


NAM DU