11:06, 25/06/2018

Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Còn nhiều khó khăn

6 tháng đầu năm, tuy số vụ vi phạm giảm, toàn tỉnh Khánh Hòa không xảy ra vụ cháy rừng nào, nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

 

6 tháng đầu năm, tuy số vụ vi phạm giảm, toàn tỉnh Khánh Hòa không xảy ra vụ cháy rừng nào, nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.


Số vụ vi phạm giảm


Theo Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, 6 tháng đầu năm, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng của huyện, các chủ rừng, chính quyền cơ sở… Nhờ đó, số vụ vi phạm trên địa bàn giảm hẳn. Nếu như 6 tháng đầu năm 2017, có 52 vụ vi phạm, qua xử lý số lâm sản tịch thu lên đến hơn 71,3m3 gỗ xẻ hộp và khoảng 0,6m3 gỗ tròn thì trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ có 33 vụ vi phạm (giảm 19 vụ); số lâm sản bị tịch thu là 53,5m3 gỗ xẻ hộp. Trong khi đó, thống kê của Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh, 6 tháng đầu năm, số vụ vi phạm đơn vị phát hiện, xử lý giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ có 51 vụ việc vi phạm, qua xử lý tiến hành tịch thu gần 81m3 gỗ xẻ hộp và hơn 15,5m3 gỗ tròn; ít hơn nhiều so với số lâm sản tịch thu của cùng kỳ năm trước.

 

Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay: Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 164 vụ vi phạm, giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong số vụ vi phạm, có 16 vụ không xác định được đối tượng vi phạm của năm 2017, do chưa đủ thời hạn xử lý phải chuyển sang năm 2018. Do đó, số vụ vi phạm thực tế của  6 tháng đầu năm 2018 chỉ là 148 vụ, giảm 25 vụ so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý hành chính 136 vụ vi phạm, tịch thu 34,16m3 gỗ tròn, 285,88m3 gỗ xẻ hộp, 450kg gỗ gốc, rễ có hình thù phức tạp. Ngoài ra, còn tiến hành tịch thu 3 xe ô tô, 6 xe gắn máy, 12  phương tiện khác đều là phương tiện vi phạm trong các vụ việc; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,28 tỷ đồng. Điều đáng mừng là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích rừng bị gãy đổ sau cơn bão số 12 năm 2017 nhưng trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra vài vụ cháy lẻ tẻ, không gây thiệt hại về rừng. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép đã được ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra điểm nóng.      

 

Lực lượng chức năng thu hồi lâm sản khai thác, vận chuyển trái phép tại khu vực Sơn Tân (huyện Cam Lâm).

Lực lượng chức năng thu hồi lâm sản khai thác, vận chuyển trái phép tại khu vực Sơn Tân (huyện Cam Lâm).

 

Tăng cường công tác quản lý


Tuy công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian gần đây có những chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng khai thác, cất giấu lâm sản trái pháp luật tại một số nơi vẫn còn diễn ra khá phức tạp, nhất là tại khu vực hồ thủy điện Ea Krong Rou (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), khu vực Dốc Mỏ - Suối Hương (huyện Vạn Ninh), Khánh Phú, Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh). Ngoài ra, cơn bão số 12 tàn phá Khánh Hòa cuối năm 2017 cũng khiến cho nhu cầu sử dụng gỗ của người dân tăng cao, đặt nhiều cánh rừng trước tình trạng khai thác trái phép.


Ông Đặng Quang Thành - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh cho biết, sau cơn bão số 12, nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản bị đánh tan, số người vào rừng khai thác cây làm lồng bè tăng chóng mặt. Trước tình hình này, cùng với sự phối hợp của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh đã tổ chức chốt chặn, tăng cường truy quét, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi rừng…, nhờ đó không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn.  


Một thực tế tồn tại lâu nay gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhận thức của một bộ phận người dân sống gần rừng còn thấp; hiện tượng người dân vào rừng chặt cây, lấy gỗ, củi, đốt than, săn bắt động vật hoang dã vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, một số kiểm lâm địa bàn chưa chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chưa nắm bắt kịp thời tình hình vi phạm trên địa bàn phụ trách. Các đối tượng vi phạm ngày càng hung hăng, chống đối người thi hành công vụ, gây khó khăn cho lực lượng kiểm lâm…


6 tháng đầu năm cũng nổi lên vấn đề chống đối lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng. Đơn cử như vụ đánh cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng tại xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm), hay khu vực Dốc Mỏ (huyện Vạn Ninh)… Theo ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, mặc dù số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn không nhiều, nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương vẫn còn khó khăn, do các chủ rừng nhà nước có địa bàn rất rộng nhưng nhân lực ít; chế độ đãi ngộ đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, bán chuyên trách không cao; tình trạng chống đối người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng vẫn diễn ra và ngày càng manh động; trang thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng còn thô sơ…


Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, 6 tháng cuối năm, lực lượng kiểm lâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, chủ rừng tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân. Bên cạnh đó, vận động các hộ sinh sống gần rừng tham gia bảo vệ rừng, ngăn chặn phá rừng, hạn chế việc khai thác các loài động, thực vật hoang dã. Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn nạn chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép; tổ chức lực lượng kiểm tra, chốt chặn tại tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng, khu vực rừng Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh), Dốc Mỏ - Suối Hương (huyện Vạn Ninh), Eakrongrou, Hòn Hèo - Tiên Du (thị xã Ninh Hòa). Đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến, mua bán, kinh doanh gỗ và các loại lâm sản khác, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai tốt phương án phòng, chống cháy rừng...


BÍCH LA