12:05, 24/05/2018

Người khuyết tật chưa mạnh dạn học nghề

Những năm qua, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Những năm qua, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện giúp người khuyết tật (NKT) vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng NKT tham gia học nghề còn hạn chế.


Chăm lo cho người khuyết tật


Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Phó Trưởng phòng LĐ-TB-XH thị xã cho biết, công tác chăm lo đời sống NKT trên địa bàn thị xã thời gian qua luôn được quan tâm đặc biệt. Các đối tượng được thụ hưởng chế độ theo đúng chính sách nhằm tạo cho họ có thêm nghị lực vào bản thân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… góp phần giúp đỡ NKT hòa nhập cộng đồng cũng được thị xã đẩy mạnh. Đồng thời, các trạm y tế xã, phường đều tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ, phát thuốc, đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho NKT… Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết hàng năm, phòng đều vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, cơ quan, đoàn thể đi thăm và tặng quà cho hầu hết NKT.

 

Chị Búp tự mở tiệm gội đầu tại nhà.   

Chị Búp tự mở tiệm gội đầu tại nhà.   


Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB-XH thị xã đã phối hợp với các ngành chức năng và các xã, phường trên địa bàn kêu gọi nhiều nguồn lực để trợ giúp các phương tiện cần thiết cho NKT.


Vẫn còn khó khăn


Tuy nhận được sự quan tâm đặc biệt nhưng hiện nay, NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.


Theo ông Trần Luân - Phó Trưởng phòng LĐ-TB-XH thị xã, hiện nay, công tác đào tạo nghề cho NKT vẫn còn hạn chế, nhiều người chưa được học nghề, chưa có việc làm trong khi hoàn cảnh hết sức khó khăn… Hàng năm Phòng LĐ-TB-XH thị xã đều xây dựng kế hoạch và gửi thông báo về các xã, phường vận động NKT đăng ký học nghề. Tuy nhiên, số lượng người đăng ký học rất khiêm tốn. Năm 2016, thị xã chỉ mở được 1 lớp nghề thêu có 8 người học và năm 2018 mở được 1 lớp với 16 người học. 

 

Tính đến cuối tháng 3-2018, thị xã có hơn 4.100 NKT, trong đó NKT đặc biệt nặng hơn 500 người. Hiện nay, hơn 3.600 người được hưởng trợ cấp thường xuyên, hơn 600 trẻ em thuộc diện khuyết tật được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thị xã quản lý, tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc định kỳ… Hàng năm, có từ 10 đến 15 em được đưa đi phẫu thuật miễn phí, sau phẫu thuật có 70 - 80% em phục hồi và hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm, thị xã đều mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động trên địa bàn. Bình quân mỗi năm có khoảng 500 người được đào tạo nghề nhưng trong số này chỉ có 1 - 2 NKT. Một trong những nguyên nhân khiến NKT chưa mạnh dạn đăng ký học nghề đó là trình độ văn hóa thấp, nhiều người còn tự ti, mặc cảm, nghề đào tạo không phù hợp, mỗi người có nhu cầu học nghề khác nhau… Việc học nghề đối với NKT đã khó nhưng vấn đề xin việc làm còn khó khăn hơn do các đơn vị, doanh nghiệp còn e ngại về hiệu quả lao động của họ.


 Chị Lê Thị Búp (sinh năm 1979) - Tổ dân phố Phong Phú 1, phường Ninh Giang chia sẻ: “Gia đình tôi có hai chị em đều bị khuyết tật. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, với 900.000 đồng tiền trợ cấp của Nhà nước không đủ trang trải cuộc sống và nuôi mẹ già. Trước đây, tôi tự học được nghề đan mây tre lá, đi làm cho một hợp tác xã trên địa bàn thị xã. Nhưng làm được một thời gian thì họ cho nghỉ việc. Sau đó, tôi xin việc làm tại một số doanh nghiệp khác nhưng không nơi nào nhận. Thời điểm đó, tôi rất bế tắc, muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến mẹ già và cậu em bệnh tật, tôi tiếp tục đi học nghề gội đầu, làm móng. Năm 2016, tôi được hội phụ nữ xã hỗ trợ bộ bàn ghế gội đầu và dụng cụ làm móng. Tuy thu nhập không cao, khoảng 30.000 - 50.000 đồng/ngày nhưng cũng góp phần trang trải cuộc sống”.


Theo ông Trần Luân, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT trên địa bàn, thời gian tới, phòng sẽ làm việc với các xã, phường tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng thực tế của NKT. Qua đó, phối hợp với các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp tìm giải pháp phù hợp từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến giải quyết việc làm cho NKT…


KHÁNH HÀ