04:05, 22/05/2018

Công tác phòng, chống thiên tai: Cần nâng cao kiến thức cho người dân

Trong ngày truyền thống phòng, chống thiên tai, các địa phương trên cả nước sẽ đánh giá những thiệt hại do thiên tai gây ra và đúc rút những bài học kinh nghiệm trong ứng phó, khắc phục hậu quả. Với Khánh Hòa, những tổn thất vô cùng lớn từ cơn bão số 12 cuối năm 2017 vẫn là bài học còn tươi mới.

Trong ngày truyền thống phòng, chống thiên tai, các địa phương trên cả nước sẽ đánh giá những thiệt hại do thiên tai gây ra và đúc rút những bài học kinh nghiệm trong ứng phó, khắc phục hậu quả. Với Khánh Hòa, những tổn thất vô cùng lớn từ cơn bão số 12 cuối năm 2017 vẫn là bài học còn tươi mới.


Sau cơn bão lớn


Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT và TKCN), trong các năm từ 2015 đến 2017, hạn hán, bão, lũ trên địa bàn tỉnh đã khiến 60 người chết, hơn 50.000ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, 895.000 gia súc, gia cầm bị chết và bị cuốn trôi với tổng thiệt hại hơn 18.300 tỷ đồng. Đỉnh điểm về sức tàn phá của thiên tai được xác định là cơn bão số 12 năm 2017 gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và người dân, tổng thiệt hại ước tính hơn 15.500 tỷ đồng.

 

Cảnh ngập lụt trên đường 23-10 trong

Cảnh ngập lụt trên đường 23-10 trong


Với thiệt hại quá lớn do cơn bão số 12 gây ra, từ nguồn lực của tỉnh và sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, với sự giúp đỡ nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần từ các tỉnh bạn, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Khánh Hòa đã tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra, khẩn trương tái thiết sản xuất và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.


Đối với công tác hỗ trợ sau cơn bão số 12, rất nhiều hộ dân, chủ yếu là các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề nhưng do không có kê khai ban đầu theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP nên không được hỗ trợ (thiệt hại khoảng 1.336 tỷ đồng). Vì vậy, tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ cho tỉnh với mức hỗ trợ 10% với kinh phí 133,6 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng này. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ một số công trình PCTT như: Dự án Kè bờ phường Vĩnh Nguyên; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải để đảm bảo tàu thuyền neo đậu tránh trú bão, với kinh phí 60 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp cảng cá Đại Lãnh để tăng khả năng tiếp nhận tàu vào tránh trú bão, với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng; một số dự án hồ chứa để đảm bảo cắt lũ, hạn chế tình trạng ngập lụt do mưa lũ gây ra cho các khu vực hạ du…


Những bài học rút ra


Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, 35 năm trở lại đây, Khánh Hòa mới bị ảnh hưởng bởi cơn bão mạnh lịch sử như cơn bão số 12 (năm 2017). Sau khi cơn bão kết thúc, bên cạnh công tác khắc phục hậu quả của bão, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá lại công tác PCTT của tỉnh.

 

Về công tác ứng phó, theo cơ quan chức năng, tuy không ngừng nâng cao năng lực trong công tác PCTT ở địa phương, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Một trong số đó là cơ cấu tổ chức, nhân sự của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chưa được quy định cụ thể, số cán bộ tham mưu trong công tác PCTT và TKCN chỉ từ 1 đến 2 người, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn về PCTT. Điều này dẫn tới những hạn chế trong công tác tham mưu, điều hành ứng phó thiên tai. Ngoài ra, trang thiết bị sử dụng trong công tác PCTT của các địa phương còn thô sơ, chưa có nhiều phương tiện trang thiết bị chuyên dụng như: xe chuyên dụng, xe thiết giáp, phương tiện cứu hộ đường thủy lớn... để đảm bảo công tác ứng phó khi có thiên tai diễn ra. Vì vậy, cần sớm ban hành các quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự của cơ quan tham mưu, giúp việc Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, đồng thời xem xét có cơ chế đặc thù để hỗ trợ kinh phí hàng năm cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp để nâng cấp các trang thiết bị PCTT, đảm bảo công tác ứng phó với các tình huống thiên tai ngày một cực đoan.

 

Người dân xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh sửa sang lại nhà cửa bị hư hỏng do bão.

Người dân xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh sửa sang lại nhà cửa bị hư hỏng do bão.

 

Trong đánh giá của mình, tỉnh cũng nhìn nhận quá trình tập trung khắc phục hậu quả của bão vẫn còn tồn tại không ít vấn đề chủ yếu xuất phát từ việc thiếu kinh nghiệm. Bài học rút ra đó là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân để nâng cao năng lực ứng phó thiên tai phải được đặt lên hàng đầu và tăng cường hơn nữa. Chính sự chủ quan là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hậu quả để lại nặng nề hơn. Mặt khác, cùng với việc tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác PCTT các cấp, hoạt động đầu tư phương tiện, thiết bị PCTT và TKCN cho các địa phương, đơn vị, đặc biệt là Văn phòng PCTT các cấp cũng đặc biệt quan trọng. Ở một khía cạnh khác, tỉnh đúc rút việc xây dựng phương án PCTT cần phải bám sát hơn nữa với thực tế, đảm bảo thực hiện tốt công tác cảnh báo, sơ tán, di dời dân khi có thiên tai xảy ra. Thường xuyên hướng dẫn người dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như: sản xuất trong vùng được quy hoạch, bám sát lịch thời vụ để có kế hoạch sản xuất hợp lý, sử dụng các nông cụ, phương tiện sản xuất hiện đại có khả năng thích ứng với bão, lũ. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng có tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.


Được biết hiện nay, tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN hỗ trợ một số trang thiết bị PCTT gồm: 4 tàu cứu hộ, 1.500 phao áo cứu sinh, 1.000 phao tròn cứu sinh, 100 phao bè cứu sinh, 100 xuồng, 100 nhà bạt, 500 đôi ủng cao su, 500 áo mưa, 1.000 đèn pin cầm tay để bổ sung trang thiết bị PCTT.


H.Đăng