01:03, 24/03/2018

Triển khai phần mềm điện tử quản lý bến xe khách: Vì sao chậm?

Giữa năm 2016, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các bến xe loại 1 và loại 2 phải trang bị phần mềm quản lý bến xe và hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn tất việc triển khai, đâu là nguyên nhân?
 

Giữa năm 2016, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các bến xe loại 1 và loại 2 phải trang bị phần mềm quản lý bến xe và hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn tất việc triển khai, đâu là nguyên nhân?
 
Nhiều tiện ích
 
Ngày 22-6-2016, Tổng cục Đường bộ có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khai thác bến xe khách. Cụ thể, lộ trình áp dụng quy chuẩn: từ ngày 1-7-2016, các bến xe khách loại 1 và loại 2 phải trang bị phần mềm quản lý bến xe và hệ thống camera; từ ngày 31-12-2016, bến xe khách loại 3 và loại 4 phải trang bị phần mềm quản lý bến xe. 
 
Việc triển khai áp dụng quy định này nhằm bảo đảm kết nối dữ liệu đồng bộ thống nhất trong toàn quốc. Để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí, Tổng cục Đường bộ phối hợp với Công ty Cổ phần Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng xây dựng phần mềm theo hình thức xã hội hóa. Phần mềm thể hiện thông tin hoạt động của phương tiện tại bến xe khách và cập nhật thường xuyên trên hệ thống, giúp cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng hơn trong quản lý. 
 
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, hiện nay, việc tra cứu thông tin và lịch trình, quản lý thời gian xuất phát cũng như thời gian đến giữa các bến của các tuyến xe chủ yếu bằng các lệnh vận chuyển. Với cách này, tuy kiểm soát được hành trình của xe nhưng các thông tin chi tiết như: Xe xuất phát giờ nào, đúng lịch trình hay không, tài xế nào lái... buộc phải mở lệnh vận chuyển. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước lại không có thông tin đầy đủ về hoạt động của bến xe mà phải đợi các bến báo cáo, mất rất nhiều thời gian. 

 

Một góc bến xe phía bắc TP. Nha Trang.
Một góc bến xe phía bắc TP. Nha Trang.
 
 
Nếu áp dụng phần mềm quản lý điện tử tại các bến xe sẽ có rất nhiều tiện ích. Cụ thể, phần mềm này sẽ giúp bến xe nắm được tần suất chạy xe, số hành khách, số lượng doanh nghiệp vận tải tham gia tuyến một cách tự động. Bên cạnh đó, giúp cơ quan quản lý chủ động, kịp thời đánh giá được lượng hành khách, luồng tuyến vận tải. Các đơn vị kinh doanh bến xe sẽ phải cập nhật về máy chủ của Tổng cục Đường bộ lịch xe xuất bến của toàn bộ các tuyến; danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên từng tuyến tại bến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký. Cùng với đó phải cập nhật thông tin của toàn bộ các chuyến xe ra vào bến như: biển số xe; lái, phụ xe; tuyến đường chạy; số lượng hành khách xuất bến và phải truyền thông tin về các trường hợp vi phạm cũng như hình thức xử lý tại bến. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp vận tải đăng ký nốt (chuyến) và được cập nhật công khai sẽ biết được nốt nào còn trống, tần suất hoạt động để đăng ký khai thác. 
 
Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, áp dụng phần mềm điện tử vào quản lý hoạt động vận tải tại các bến xe sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý điều hành của bến xe khách. Qua đó giúp công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thanh, kiểm tra hoạt động của bến xe.
 
Đang chạy thử
 
Với những tiện ích như thế, nhưng gần 2 năm qua các bến xe khách trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn tất chạy thử để áp dụng vào thực tế. Lý giải sự chậm trễ này, ông Nguyễn Lý Minh Quân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần khai thác bến xe và Dịch vụ vận tải Khánh Hòa cho biết: “Ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu công ty thực hiện. Chúng tôi đã làm việc với Công ty Cổ phần Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng để đàm phán mua phần mềm quản lý bến xe. Tuy nhiên, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm mà không cung cấp phần cứng như: camera nhận diện biển số; các vòng từ nhận diện xe; các máy chủ truyền dữ liệu; barie… Nếu chỉ mua phần mềm mà không có phần cứng thì không thể hoạt động, còn nếu mua phần cứng của một nhà cung cấp khác thì lại không tương thích với nhau. Vì vậy, hai bên đã không thống nhất được việc chuyển giao”.
 
Cũng theo lãnh đạo công ty này, hiện đơn vị đã lắp đặt camera và có phần mềm kế toán. Phần mềm kế toán kiểm soát dòng tiền phí dịch vụ toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp và phương tiện. Nếu mua thêm phần mềm về hoạt động thì sẽ khó kiểm soát được các khoản phí dịch vụ. Trước những vướng mắc đó, tháng 3-2017, công ty đã thuê một đơn vị viết phần mềm riêng tại Hà Nội để tích hợp vừa quản lý bến xe vừa quản lý dòng tiền cùng với phần mềm kế toán. Đồng thời, ký kết hợp đồng cung cấp phần cứng với một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đến nay, cả 2 doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện việc viết phần mềm và cung cấp vật tư. “Chúng tôi đã có các văn bản đốc thúc các doanh nghiệp hợp tác sớm hoàn thiện nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức chạy thử. Với nhiều hạng mục và phải tích hợp liên kết nhiều vấn đề nên để bảo đảm khi đưa vào khai thác không bị lỗi sẽ phải kéo dài thời gian chạy thử, chưa biết đến khi nào mới kết thúc”, ông Quân cho biết.
 

Trên địa bàn tỉnh có 4 bến xe khách nằm trong diện phải áp dụng phần mềm quản lý bến xe, gồm: Bến xe phía bắc và phía nam TP. Nha Trang (bến loại 2); Bến xe Ninh Hòa, Cam Ranh (bến loại 3). Các bến này thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần khai thác bến xe và Dịch vụ vận tải Khánh Hòa. Có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động tại các bến xe trên địa bàn tỉnh; mỗi ngày các bến có từ 13 lượt đến gần 190 lượt xe ra vào bến.


THÀNH NAM