10:12, 03/12/2017

Gác chắn an toàn - mô hình linh hoạt, phù hợp

Tuy mới được triển khai nhưng công tác xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự trong khối cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã xuất hiện những mô hình hay, hiệu quả. 

Tuy mới được triển khai nhưng công tác xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự (ANTT) trong khối cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã xuất hiện những mô hình hay, hiệu quả. Trong số đó, “Gác chắn an toàn” của Công ty Cổ phần Quản lý đường sắt Phú Khánh (gọi tắt là Công ty Đường sắt Phú Khánh) được đánh giá là mô hình linh hoạt, phù hợp.


Công ty Đường sắt Phú Khánh có nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 283km, qua 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tuyến đường qua nhiều vùng miền, với hàng trăm nút giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, lối đi dân sinh tự mở không có rào chắn, việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt tiềm ẩn mất an toàn. Hơn nữa, các vật tư, thiết bị của ngành Đường sắt phần lớn nằm ngoài trời nên tội phạm trộm cắp tài sản, thiết bị vật tư đường sắt thường diễn ra, đe dọa an toàn chạy tàu và ANTT. Để đảm bảo ANTT, đặc biệt là an toàn chạy tàu, Đảng ủy, Ban Giám đốc công ty rất quan tâm đến biện pháp đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền; tổ chức cho các tập thể và cá nhân đăng ký đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; ký các quy chế phối hợp liên ngành với lực lượng công an; công tác tuần tra, xử lý bảo đảm an toàn tuyến…, đơn vị còn quan tâm xây dựng mô hình tự quản về ANTT với tên gọi “Gác chắn an toàn”.

 

Điểm đường ngang qua đường sắt vào thôn Xuân Tây (huyện Vạn Ninh)  có nhân viên cảnh giới đảm bảo an toàn

Điểm đường ngang qua đường sắt vào thôn Xuân Tây (huyện Vạn Ninh) có nhân viên cảnh giới đảm bảo an toàn


Được sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, từ tháng 7-2016, đơn vị đã lựa chọn 10 trong số 30 gác chắn tàu trên địa bàn qua tỉnh Khánh Hòa để thành lập các đội tự quản về ANTT tại chỗ. Các đội vừa có nhiệm vụ đảm bảo an toàn chạy tàu chung, vừa phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật: trộm cắp vật tư của ngành Đường sắt, gây rối ANTT, cản trở hoạt động an toàn chạy tàu, phá hoại tài sản... Nhân viên tại các gác chắn đều là thành viên của mô hình. Tại các điểm gác chắn đều được trang bị camera an ninh, chuông báo động, trang bị công cụ hỗ trợ cho nhân viên. Đặc biệt, nhân viên được huấn luyện và thực hiện quy trình xử lý vụ việc về ANTT. Nhờ đó, công tác đảm bảo ANTT, an toàn chạy tàu được nâng cao rõ rệt.


Qua hơn 1 năm hoạt động, đến nay, mô hình đã mang lại nhiều kết quả trong đảm bảo an toàn hoạt động chạy tàu, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản, thiết bị, ngoài ra còn tham gia phòng, chống tội phạm hiệu quả. Các nhân viên gác chắn đồng thời là thành viên đội tự quản ANTT đã trực tiếp xử lý tại chỗ một số vụ việc liên quan đến an toàn chạy tàu và cả những vụ gây rối ANTT, tấn công nhân viên đường sắt…


Ông Trần Minh Hóa - cán bộ chuyên trách công tác xây dựng phong trào của công ty cho biết: “Với sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ công an trong huấn luyện, trang bị, đặc biệt trong thực hiện quy trình phối hợp giải quyết vụ việc, mô hình “Gác chắn an toàn” bước đầu mang lại hiệu quả. Đặc biệt, mô hình phát huy được tinh thần, trách nhiệm của nhân viên tại các gác chắn trong việc vừa bảo đảm an toàn đường sắt theo quy trình công tác, vừa tự bảo vệ tài sản, vật tư của doanh nghiệp, kết hợp bảo đảm ANTT chung”.


Theo lãnh đạo Công an tỉnh, “Gác chắn an toàn” là mô hình linh hoạt, phù hợp với đặc thù ngành Đường sắt. Đây cũng là kết quả đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình tự quản về ANTT trong khối cơ quan, doanh nghiệp. Thời gian tới, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong tập huấn, trang bị công cụ hỗ trợ cho các mô hình, nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng của nhân viên đội tự quản, góp phần đảm bảo ANTT tại chỗ, ngay từ cơ sở.


MINH HẠNH