04:11, 23/11/2017

Phát triển và quản lý chợ: Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Hiện nay, việc phát triển và quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, chợ truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh từ các loại hình khác khiến việc kinh doanh của tiểu thương gặp không ít khó khăn.

 

Hiện nay, việc phát triển và quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, chợ truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh từ các loại hình khác khiến việc kinh doanh của tiểu thương gặp không ít khó khăn.


Chuyển đổi mô hình quản lý còn chậm


Theo báo cáo của Sở Công Thương, sau 9 năm thực hiện đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, trên địa bàn tỉnh đã có 20 chợ chuyển đổi hoàn tất và đi vào hoạt động. Một số chợ còn lại đang tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo quy định. Ngoài ra, một số chợ loại 3 được UBND các xã, phường giao quản lý khai thác theo hình thức khoán. Do các chợ này là chợ tạm, xuống cấp, dự kiến di dời… nên chưa đủ điều kiện để đấu thầu chuyển đổi mô hình quản lý.

 

Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, các chợ đã dần đi vào nề nếp, tình hình hoạt động của tiểu thương trong chợ khá ổn định. Bên cạnh đó, việc bố trí, quy hoạch, sắp xếp lại ngành hàng, hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các hạng mục trong chợ, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy đã có những chuyển biến đáng kể so với trước khi đấu thầu. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và từng bước thực hiện xã hội hóa đối với hoạt động chợ trên địa bàn tỉnh.

 

Chợ Vĩnh Ngọc là 1 trong 20 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý

Chợ Vĩnh Ngọc là 1 trong 20 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý

 

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

 

Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 8.513 chợ, trong đó, chợ hạng I là 238 chợ, chợ hạng II là 902 chợ, còn lại là chợ hạng III.

Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại Khánh Hòa và nhiều tỉnh, thành trên cả nước được đánh giá còn chậm. Theo số liệu thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay, cả nước có 435 chợ do 403 hợp tác xã quản lý và 773 chợ do 687 doanh nghiệp quản lý (trên tổng số 8.513 chợ cả nước). Như vậy, mới chỉ có 14% số chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, 86% số chợ vẫn do ban quản lý, tổ quản lý. Do đó, dẫn tới công tác thu hút đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ gặp nhiều khó khăn.


Tại hội thảo về phát triển và quản lý chợ do Bộ Công Thương vừa tổ chức tại TP. Nha Trang, đại diện các sở công thương cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác phát triển và quản lý chợ hiện nay. Các chợ truyền thống chỉ chiếm khoảng 40% thị phần mua bán lẻ và đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các hình thức như: thương mại điện tử, bán hàng online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... “Hiện nay, chợ truyền thống chỉ bán được thực phẩm tươi sống, rau củ, gia vị… là những thứ các bà nội trợ cần mua hàng ngày. Tuy nhiên, trong tương lai gần, có nhiều cửa hàng thực phẩm cũng sẽ giao hàng tận tủ lạnh cho người dân. Lúc này đòi hỏi phải tìm ra giải pháp cho chợ truyền thống; không cần mở nhiều chợ, xây dựng quy mô lớn mà chỉ nên tập trung đầu tư, nâng cấp chợ cho khang trang, hiện đại và giao cho doanh nghiệp quản lý, phát triển chợ”, ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ nói.

 

Trên địa bàn tỉnh có 20 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý. Cụ thể: TP. Nha Trang có 5 chợ (Vĩnh Ngọc, Vĩnh Lương, Vịnh Thọ, Vĩnh Phương, Hòn Rớ); TP. Cam Ranh 4 chợ (Cam Lộc, Cam Nghĩa, Ba Ngòi, Cam Phước Đông); huyện Cam Lâm 3 chợ (Cam Thành Bắc, Suối Tân, Suối Cát); thị xã Ninh Hòa 2 chợ (Dục Mỹ, Chợ Dinh); huyện Vạn Ninh 1 chợ (chợ Vạn Ninh); huyện Diên Khánh 5 chợ (chợ Thành, Diên An, Diên Phước, Diên Phú, Diên Thạnh).

Đại diện Sở Công Thương Khánh Hòa cũng cho biết, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống vẫn còn nhiều bất cập, khó quản lý, kiểm soát vì liên quan nhiều ngành. Nghị định số 02 ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ ban hành đã quá lâu, một số nội dung không còn phù hợp với thực tế và các luật, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác có liên quan đến chợ như: xây dựng, đất đai, đầu tư, thuế, giá, bảo vệ môi trường, đấu thầu, doanh nghiệp, hợp tác xã. Chính sách giải quyết lao động thuộc biên chế nhà nước đang làm việc tại ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp có thu và những lao động đang làm việc tại ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ khi có kế hoạch đấu thầu chuyển đổi mô hình quản lý chợ chưa phù hợp, rất khó khăn nên làm chậm tiến độ chuyển đổi.


Theo một số đại biểu khác, rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển chợ do đầu tư kinh phí lớn nhưng doanh thu chợ truyền thống ngày càng giảm. Điều này, đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách kêu gọi đầu tư với chế độ ưu đãi…


Đánh giá về những hạn chế, vướng mắc trong công tác phát triển và quản lý chợ hiện nay, ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, tốc độ gia tăng của chợ truyền thống tuy chững lại trong thời gian gần đây nhưng vẫn duy trì và cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, phần lớn các chợ hiện nay có cơ sở hạ tầng yếu kém. Trong khi đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển chợ không có, ngân sách địa phương hỗ trợ rất ít, chủ trương xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, cơ chế chính sách không đồng bộ. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ rất chậm và nhiều vướng mắc.


“Để chợ truyền thống hoạt động hiệu quả hơn, chúng tôi kiến nghị cần xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 02 và Nghị định 114 cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; triển khai các chương trình nhằm phát triển chợ về chất: tăng cường văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… trong hoạt động kinh doanh tại chợ, để chợ cạnh tranh được với các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện song hành việc hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ với việc đẩy mạnh xã hội hóa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ…”, ông Hội cho biết.

MAI HOÀNG