11:09, 20/09/2017

Vận tải hàng hóa đường sắt gặp khó

Nhiều năm trước, vận tải hàng hóa đường sắt là một đối trọng lớn của đường bộ và đường thủy. Sản lượng và doanh thu năm sau thường cao hơn năm trước từ 30 đến 40%. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, vận tải hàng hóa bằng đường sắt gặp rất nhiều khó khăn, thị phần bị thu hẹp, doanh thu sụt giảm.

Nhiều năm trước, vận tải hàng hóa đường sắt là một đối trọng lớn của đường bộ và đường thủy. Sản lượng và doanh thu năm sau thường cao hơn năm trước từ 30 đến 40%. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, vận tải hàng hóa bằng đường sắt gặp rất nhiều khó khăn, thị phần bị thu hẹp, doanh thu sụt giảm.


Ông Trần Việt Tùng - Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, những năm gần đây, vận tải ô tô đường bộ và đường thủy phát triển khá nhanh. Đặc biệt là những chiếc xe tải có trọng tải lớn được nhập về từ Trung Quốc nở rộ dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt với ngành Đường sắt. Trong khi đó, tính cơ động và giá cả của 2 loại hình này linh hoạt hơn so với đường sắt nên vận tải hàng hóa đường sắt gặp khó.


Ngành Đường sắt cũng thừa nhận, thời gian vận chuyển, đơn giá và tính chủ động kết nối so với các phương tiện khác chưa linh hoạt nên nhiều khách hàng không mặn mà. Đơn cử, cũng là quãng đường đó, giá cước vận chuyển như nhau, nhưng đường sắt mất thêm phí trung chuyển hai đầu từ kho về ga và từ ga về kho của doanh nghiệp. Do đó, cước vận chuyển của đường bộ và đường thủy rẻ hơn so với đường sắt. Bên cạnh đó, đường sắt phải bốc dỡ thủ công nên giá cao, đội vào giá thành vận chuyển. Đơn giá bốc dỡ mỗi tấn hàng của đường sắt lên tới hơn 40.000 đồng, trong khi đơn giá của các loại hình khác chưa bằng một nửa.

 

Năm 2015, Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang bốc xếp hàng hóa lên gần 7.400 toa xe với gần 196.000 tấn, doanh thu đạt hơn 80,3 tỷ đồng. Năm 2016, chi nhánh bốc xếp hàng hóa lên hơn 6.100 toa xe với hơn 146.300 tấn, doanh thu gần 49 tỷ đồng. 8 tháng năm 2017, chi nhánh bốc xếp được hơn 3.200 toa xe với hơn 85.000 tấn hàng hóa, doanh thu đạt hơn 23,3 tỷ đồng.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các mặt hàng của doanh nghiệp miền Trung chủ yếu là hàng lương thực và nông sản theo thời vụ và được chuyển đến các tỉnh miền núi phía bắc để xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, các mặt hàng này phải phụ thuộc vào việc bên mua có mở cửa hay không, vì vậy tính bền vững liên tục luân chuyển không cao. Bên cạnh đó, nếu đi đường sắt thì hàng hóa ít nhất phải đủ toa (tương đương trọng lượng hơn 20 tấn) mới có thể xuất bến, nhưng với ô tô thì trọng lượng thấp hơn vẫn có thể đảm đương và không phải chờ đợi. Thời gian vận chuyển của đường sắt cũng bị hạn chế do tốn nhiều thời gian cho quy trình đưa hàng về vị trí đỗ toa xe, bốc xếp hai đầu, bố trí đầu kéo…


Theo ông Tùng, để thích ứng với những thay đổi của thị trường, vực dậy vận tải hàng hóa đường sắt, trong thời gian tới, ngành sẽ nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời thay đổi giá thành theo hướng linh hoạt và có tính cạnh tranh so với các loại hình vận tải hàng hóa khác. “Chúng tôi đang thực hiện mô hình vận chuyển từ kho đến kho, tức là thương lượng với các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đơn vị sẽ tính toán thực hiện trọn gói từ kho đầu này đến kho đầu kia. Từ đó, giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp, nhằm thu hút, nâng cao thị phần vận tải hàng hóa cho ngành Đường sắt. Hiện nay, hạ tầng đường sắt khu vực miền Trung đáp ứng được nhu cầu phát triển vận tải. Vì vậy, hy vọng trong thời gian tới, vận tải hàng hóa đường sắt sẽ có tín hiệu vui”, ông Tùng cho biết.


THÀNH NAM