06:09, 14/09/2017

Hơn 60 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn

Ngày 30-8-2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định phê duyệt Đề án Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Ngày 30-8-2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định phê duyệt Đề án Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, đề án sẽ được thực hiện ở 16 xã, 65 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS và hộ người Kinh nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất so với định mức chung chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Trong đó, các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất chủ yếu là do quá trình tách hộ; còn các công trình nước sinh hoạt tập trung ở khu vực này qua nhiều năm sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp, đa số giếng đào bị nhiễm phèn hoặc hết nước vào mùa khô, không đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.

 

Trước thực trạng trên, để vực dậy kinh tế khu vực này, ngày 30-8-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Chính sách này nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 5 đến 6% mỗi năm, đưa thu nhập bình quân của đồng bào DTTS đạt hơn 12 triệu đồng/người/năm và hơn 95% dân số miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh.


Theo đó, hộ đồng bào DTTS nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người DTTS) ở các thôn, xã thuộc vùng DTTS và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn có trong danh sách hộ nghèo đã được phê duyệt, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo hạn mức bình quân chung; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo đề án này.

 

Nhiều gia đình ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) còn khó khăn về đất ở

Nhiều gia đình ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) còn khó khăn về đất ở

 

Định mức hỗ trợ áp dụng theo Quyết định số 3045/QĐ-UBND ngày 12-11-2014 của UBND tỉnh quy định về mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ 200m2 đất ở, hỗ trợ đất sản xuất đối với các loại đất để trồng lúa nước, lúa nương, cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất lâm nghiệp… có diện tích từ 0,15 đến 1ha tùy từng loại đất, nhưng cơ bản tổng cộng diện tích đất sản xuất được hỗ trợ mỗi hộ không quá 2ha. Đồng thời, mỗi hộ còn được hỗ trợ 5 triệu đồng tiền mặt và được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc nghề khác tăng thu nhập. Các hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.


Theo kết quả rà soát từ các sở, ngành, địa phương, toàn tỉnh hiện có 16 xã thuộc khu vực III, 65 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó hơn 1.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở; hơn 2.300 hộ thiếu đất sản xuất và trên 2.100 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhượng - Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc UBND tỉnh cho biết: “Theo tính toán, nhu cầu diện tích đất hỗ trợ gồm 55,5ha đất ở, hơn 1.000ha đất sản xuất, hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề và hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ nước sinh hoạt. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án này hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, gần 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Đề án này đã thực hiện đầy đủ các bước từ xác định nhu cầu, các bộ, ngành thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Đề án được thực hiện trong các năm: 2018, 2019 và 2020. Khánh Hòa cũng đã chủ động vốn đối ứng cũng như các giải pháp đảm bảo đủ quỹ đất phân bổ theo từng năm”.


Hy vọng, nguồn ngân sách Trung ương sẽ phân bổ đúng hạn để chính sách này đi vào cuộc sống, góp phần giúp đồng bào DTTS nghèo và người dân ở những khu vực còn nhiều khó khăn có thể an cư lạc nghiệp.


H.Đ