07:09, 13/09/2017

Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 4 (Nha Trang MRCC, đơn vị trực thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam - VNMRCC) đã liên tục tổ chức cứu nạn những thuyền viên bị nạn trên biển. Qua đó, giúp ngư dân các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ yên tâm bám biển, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả…

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 4 (Nha Trang MRCC, đơn vị trực thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam - VNMRCC) đã liên tục tổ chức cứu nạn những thuyền viên bị nạn trên biển. Qua đó, giúp ngư dân các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ yên tâm bám biển, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả…


Liên tục cứu người


Khuya một ngày đầu tháng 8, tổ trực ban Nha Trang MRCC nhận được công văn khẩn của VNMRCC về việc điều động tàu chuyên dụng để tham gia cứu nạn thuyền viên Nguyễn Văn Vương (sinh năm 1990, quê Nghệ An, thợ máy tàu viễn dương) bị chấn thương nặng khi đang làm việc trên tàu Lucky Star 8 (quốc tịch Cộng hòa Palau). Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Nha Trang MRCC đã cắt cử tổ công tác gồm 4 cán bộ, nhân viên nhanh chóng xuống ca nô cao tốc đang ứng trực tại cầu cảng Nha Trang, phối hợp với thủy thủ của đơn vị khẩn trương ra hiện trường tổ chức cứu nạn.

 

“Vượt qua hàng chục hải lý, chúng tôi mới tiếp cận được tàu. Nhờ khẩn trương cơ động nên chúng tôi đã có mặt kịp thời để có thể xử lý tình huống cứu nạn”, ông La Trần Quang - Phó Giám đốc Nha Trang MRCC nhớ lại. Ngay khi tiếp cận được tàu hàng quốc tế, ông Quang cùng các nhân viên trung tâm đã tổ chức sơ cứu cho anh Vương và đưa xuống ca nô cứu nạn.


Đưa được nạn nhân vào bờ, tổ công tác của đơn vị lại phải lên đường ngay để cứu nạn một trường hợp khác. Đó là ông F. Zeletic - máy trưởng tàu Oriental Jad, quốc tịch Panama bị bệnh nặng khi đang trong hải trình từ vùng Vịnh về Hồng Kông.  Vượt qua gần 10 hải lý, tổ cứu nạn tiếp cận tàu dầu rất lớn (dài 300m, rộng 60m và cao tới 65m). Lúc này, ông F. Zeletic đang trong tình trạng nguy kịch. Tổ công tác đã tiến hành thăm khám, đồng thời cắt cử 6 người phối hợp với 2 thủy thủ tàu khiêng ông F. Zeletic để đưa vào một “chiếc lồng”, sau đó dùng cần cẩu đưa bệnh nhân xuống ca nô để đưa vào bờ do thuyền viên bị nạn cao, to và nặng đến gần 100kg.


Ngoài nhiệm vụ cứu nạn thuyền viên trên các tàu thuyền quốc tế đi qua vùng biển Việt Nam từ phía bắc tỉnh Phú Yên xuôi xuống phía nam tỉnh Ninh Thuận, Nha Trang MRCC còn tham gia cứu nạn tàu thuyền của ngư dân các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đánh bắt thủy sản tại vùng biển Trường Sa và các khu vực lân cận. Điển hình như vụ cứu ngư dân Nguyễn Văn Kỳ (sinh năm 1980, quê huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) ngày 26-8. Hôm đó, tàu BĐ 97588TS với 10 ngư dân đang đánh cá tại ngư trường Trường Sa đã không may bị nạn. Tàu vừa buông lưới, anh Kỳ đã bị lưới cuốn, văng xuống sàn tàu và bị chấn thương nặng. Thấy vậy, ông La Tình (sinh năm 1972, chủ tàu cá) đã lao ra cứu nhưng lại bị vấp ngã, chấn thương nặng và tử vong sau đó. Khi xảy ra vụ việc, tàu BĐ 97588TS cách bờ biển Nha Trang khoảng 22 hải lý. “Sau khi được đưa vào Nha Trang chữa trị, đến nay sức khỏe của tôi đã ổn định. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu không được lực lượng cứu nạn đưa vào bờ chữa trị kịp thời”, anh Kỳ cho biết.

 

Cán bộ, nhân viên Nha Trang MRCC được huấn luyện nghiệp vụ cứu người trong tình huống nguy cấp

Cán bộ, nhân viên Nha Trang MRCC được huấn luyện nghiệp vụ cứu người trong tình huống nguy cấp

 

Sẽ đóng mới tàu cứu nạn vươn ra Trường Sa


Theo ông Nguyễn Xuân Bình, đơn vị được thành lập năm 2006, đến nay đã tham gia hàng trăm lượt cứu nạn đối với tàu thuyền và ngư dân khi hành nghề trên biển không may gặp nạn. “Hiện nay, đơn vị có 3 phương tiện chuyên dụng để cứu nạn tàu thuyền cũng như các thuyền viên gồm 2 ca nô cao tốc, 1 tàu SAR27-01 cùng một tập thể cán bộ, nhân viên giàu nhiệt huyết”, lãnh đạo Nha Trang MRCC cho biết thêm.


Hiện tại tàu SAR27-01 hoạt động trong phạm vi 100 hải lý, như vậy khi xảy ra sự cố đối với các tàu thuyền tại vùng biển Trường Sa thì tàu chưa thể vươn ra được. Do vậy, đã có dự án đóng mới tàu lớn hơn để có thể vươn ra Trường Sa và các vùng biển lân cận. “Theo dự án thì tàu chuyên dụng này có thể hoạt động trong phạm vi đến 500 hải lý và như thế trong tương lai gần tàu chuyên dụng này sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu cứu nạn ở huyện đảo Trường Sa”, ông Nguyễn Xuân Bình kỳ vọng.


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Giám đốc VNMRCC khẳng định, từ năm 2006 được thành lập cho đến nay, công tác tham gia cứu phương tiện, ngư dân trực tiếp tham gia đánh bắt thủy sản trên các ngư trường truyền thống của nước ta như Trường Sa của Nha Trang MRCC là việc làm hết sức ý nghĩa. Và đây chính là điểm tựa cho các ngư dân yên tâm bám biển, đồng thời góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.


THÀNH LONG

 


 

. Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Nha Trang MRCC: Do đặc thù của công việc cứu nạn nên ngoài việc phải thạo nghề đi biển, hàng tháng các cán bộ, nhân viên được huấn luyện các kỹ năng cứu người hoặc cứu nạn những tình huống khẩn cấp. Do được huấn luyện thường xuyên nên cán bộ, nhân viên của trung tâm có chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

_______________________________________


. Từ đầu năm đến nay, Nha Trang MRCC đã cứu được 27 người, trong đó có 4 người nước ngoài. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ trực tiếp cho 206 ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ làm ăn trên biển. Số lần đơn vị cứu nạn tàu thuyền, ngư dân lâm nạn đã tăng gần 50% số vụ so với cùng kỳ năm trước.