06:09, 22/09/2017

Bài 2: Giải pháp nào để giảm nghèo hiệu quả?

Từ những tồn tại, bất cập trong công tác giảm nghèo, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần có những giải pháp đồng bộ để triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững. Đồng thời, có những cơ chế ràng buộc đối với những hộ có sức lao động nhưng ỷ lại, chây lười lao động.

Bài 2:   Giải pháp nào để giảm nghèo hiệu quả?


Từ những tồn tại, bất cập trong công tác giảm nghèo, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần có những giải pháp đồng bộ để triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững. Đồng thời, có những cơ chế ràng buộc đối với những hộ có sức lao động nhưng ỷ lại, chây lười lao động.


Cần phân loại hộ nghèo


Gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh và ông Nguyễn Thanh Hóa (thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) thuộc hộ nghèo. Cả 2 ông bà đều gần 60 tuổi và có 2 con gái bị tâm thần. Hàng tháng, cả gia đình chỉ sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp của 2 con gái được 900.000 đồng. Trước đây, gia đình bà vay 12 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở quán tạp hóa. Nhưng vì không biết cách quản lý nên việc kinh doanh thất bại, không có tiền trả nợ.

 

Trong khi đó, gia đình bà Lê Thị Em (thôn Xuân Hòa 2, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) nằm ở mặt tiền Quốc lộ 26 và có sức lao động nhưng lại không biết cách làm ăn nên nhiều năm qua bà chỉ biết đi làm thuê. “Xung quanh đây nhà nào cũng làm ăn, buôn bán rất thuận lợi. Nhưng vì tôi không biết cách làm ăn nên nhiều năm vẫn không thoát được nghèo. Giờ đây, tôi rất cần được giúp đỡ về phương thức làm ăn, được vay vốn thì may ra mới thoát được nghèo”, bà Em nói.


Bà Phạm Thúy Quỳnh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, từ thực tế giám sát cho thấy, công tác giảm nghèo của tỉnh nên thực hiện phân loại hộ nghèo để có những chính sách phù hợp với từng đối tượng. Trước tiên, cần tách riêng những người thuộc diện không có sức lao động như: người tàn tật, già yếu, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh hiểm nghèo. Từ đó, thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp, không đưa họ vào diện thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà chuyển sang nhóm đối tượng bảo trợ xã hội vì họ đều thuộc hộ nghèo “vĩnh viễn”. Đồng thời, tiến hành phân tích rõ trong 1 tháng, những hộ này dùng hết bao nhiêu gạo, nước, điện, sinh hoạt khác, trên cơ sở đó nâng mức hỗ trợ hoặc cấp bù thêm mức hỗ trợ của Trung ương cho họ sinh sống. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm quản lý của địa phương để tránh tình trạng chạy chính sách.


Ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Hiện nay nên phân thành 3 nhóm hộ nghèo: không có sức lao động; nghèo về thu nhập; nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, phân tích rõ nguyên nhân nghèo để có hướng hỗ trợ phù hợp và theo thứ tự ưu tiên. Đối với nhóm nghèo về thu nhập thì tập trung chính sách tạo sinh kế, đầu tư có trọng điểm theo hướng cầm tay chỉ việc cho những hộ nghèo này để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Còn với nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản thì nên tập trung chính sách hỗ trợ tiếp cận. Còn nhóm nghèo do không có sức lao động thì nên nâng mức trợ cấp hàng tháng để đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho họ. Bên cạnh đó, đổi mới cách triển khai chính sách về hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giáo dục, y tế, nhà ở cho hộ nghèo”.

 

Việc thay đổi cách hỗ trợ cho hộ nghèo theo hướng cầm tay chỉ việc là rất cần thiết

Việc thay đổi cách hỗ trợ cho hộ nghèo theo hướng cầm tay chỉ việc là rất cần thiết

 

Thay đổi cách hỗ trợ


Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, hiện nay, nguyên nhân khiến nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh khó thoát nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số là do họ còn nặng tập quán sản xuất tự phát, quảng canh, ít được chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào canh tác. Đa số các chính sách chỉ hướng đến cấp phát, cho không mà chưa hướng đến việc hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, cách chăm sóc, từ đó khiến nhiều hộ có tâm lý trông chờ, không ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ không muốn vay vốn để sản xuất, vì lo sợ không trả được vốn, muốn có thu nhập tức thì bằng cách đi làm thuê. Có hộ được cấp đất nhưng lại không biết làm ăn nên bán đất cho người khác rồi đi làm thuê trên chính mảnh đất đó. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần phải thay đổi cách thức hỗ trợ, chuyển từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ con giống, cách làm ăn phù hợp với từng hộ. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giải thích cho người nghèo biết cách tích lũy vốn để tái sản xuất, tránh tình trạng làm được đồng nào tiêu hết đồng đó.  


Còn ông Nguyễn Lê Đình Trị - Chủ tịch HĐND TP. Nha Trang cho rằng, để các chính sách hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả thì điều đầu tiên là cần phải khảo sát nguyên nhân vì sao hộ đó nghèo, nghèo vì thiếu cái gì? Trên cơ sở đó, hướng các chính sách bằng cách hỗ trợ “cần câu” thay “con cá” như trước đây. Nghĩa là hộ nào nghèo do thiếu vốn thì hỗ trợ vốn và chuyển giao cách làm ăn; hộ nào thiếu đất sản xuất thì xem xét hỗ trợ đất sản xuất có thời hạn… Có thay đổi cách hỗ trợ thì công tác giảm nghèo của tỉnh mới thực sự bền vững và tạo được sự chuyển biến tích cực.  


Xây dựng cơ chế ràng buộc


Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có khoảng 500 hộ nghèo do chây lười lao động. Về vấn đề này, ông Đàm Ngọc Quang - Phó Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh đề xuất, đối với những hộ nghèo chây lười lao động, trông chờ, ỷ lại thì các cấp, ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức; đồng thời xây dựng cơ chế ràng buộc trong quá trình thụ hưởng các chính sách hỗ trợ thoát nghèo. Với những hộ này, địa phương cần xây dựng khung thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm để giúp họ vươn lên, nếu hết 3 năm họ vẫn cố tình chây lười thì sẽ loại ra khỏi danh sách hộ nghèo. Có như vậy mới tạo ra sự công bằng và tránh gây lãng phí chính sách hỗ trợ và tránh được tư tưởng trồng chờ, ỷ lại của những hộ nghèo.  


Ông Tào Anh Tuấn cho biết, lâu nay, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng hộ nghèo tăng là do sinh nhiều con rồi tách khẩu. Do đó, tỉnh cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, đoàn thể trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; quyết liệt hơn trong công tác kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, cần có chế tài ràng buộc và quản lý chặt chẽ trong việc tách hộ để tránh tình trạng “chạy” chính sách. Ngoài ra, tỉnh cần kiến nghị với Trung ương đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh vào diện được hưởng những chính sách phát triển kinh tế - xã hội giống như các tỉnh Tây Nguyên. Bởi đây là 2 địa phương dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và có tầm ảnh hưởng lớn về an ninh, quốc phòng...


Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng là cần thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương về giảm nghèo thì chính sách mới được thực hiện đúng mục đích và có hiệu quả. Nhưng việc thay đổi nhận thức là cả một quá trình, không hề đơn giản, xét từ cả góc độ chính quyền lẫn người dân. Giảm nghèo phải giải quyết vấn đề mấu chốt là cải thiện thu nhập và khuyến khích ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo. Bên cạnh đó, cần chọn lựa ưu tiên chính sách, như: gia tăng các cơ hội cho người dân tiếp cận tín dụng, kiến thức, kinh nghiệm làm ăn để thoát nghèo. Đó là cách thúc đẩy nội lực vươn lên của người dân và cũng là cách thức để giảm dần cách tư duy cho không, gây ỷ lại.


VĂN GIANG
 

 



Ông Hồ Văn Mừng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa: Từ thực tế giám sát, ban đã phát hiện rất nhiều bất cập, hạn chế trong công tác giảm nghèo. Do đó, thời gian tới UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương sớm làm rõ những bất cập trong việc triển khai các tiêu chí giảm nghèo đa chiều, để từ đó kiến nghị Trung ương điều chỉnh cho hợp lý; cần phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng đơn vị, địa phương, đoàn thể trong thực hiện chính sách giảm nghèo; quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhân thức tránh trông chờ ỷ lại; cương quyết đưa những hộ nghèo có sức lao động, chây lười lao động ra khỏi danh sách hộ nghèo…

___________________________________________

 

Xây dựng chính sách đặc thù riêng của tỉnh


Ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, chính sách giảm nghèo chưa thực sự phát huy hiệu quả và còn nhiều bất cập. Đặc biệt, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 266 hộ gia đình chính sách là hộ nghèo; hơn 4.000 hộ không có sức lao động và hơn 1.000 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua vào cuối năm. Các chính sách đặc thù phải phù hợp, hiệu quả, tránh chồng chéo với chính sách của Trung ương. Đặc biệt, phải khẩn trương đưa 266 hộ gia đình chính sách thoát nghèo nhanh, bền vững.