09:08, 07/08/2018

Dù muôn vời cách trở

- An đang đọc gì thế?


An đang ngồi trên chiếc ghế đá trong vườn, chăm chú đọc sách thì một giọng nam trầm dịu dàng vang lên bên cạnh. Cô quay lại, đó là một chàng trai trẻ, thanh mảnh trong chiếc áo blouse trắng. An đưa mắt nhìn bảng tên trên ngực: "Bác sĩ Lê Thành Trung". A, thì ra là anh, người đã đón cô hôm nhập viện

- An đang đọc gì thế?


An đang ngồi trên chiếc ghế đá trong vườn, chăm chú đọc sách thì một giọng nam trầm dịu dàng vang lên bên cạnh. Cô quay lại, đó là một chàng trai trẻ, thanh mảnh trong chiếc áo blouse trắng. An đưa mắt nhìn bảng tên trên ngực: “Bác sĩ Lê Thành Trung”. A, thì ra là anh, người đã đón cô hôm nhập viện.

 


… Dù là học sinh giỏi, kỳ thi đại học vừa qua, An vẫn không đủ điểm đậu. Dẫu biết rằng học tài thi phận, nhưng rớt đại học là điều cô không bao giờ ngờ tới. Vừa xấu hổ với bạn bè, người thân, vừa bị ba mẹ trách móc, An tự giam mình trong phòng, gặm nhấm nỗi buồn cùng nỗi thất vọng cùng cực. Cô không dám đi ra ngoài, sợ gặp mặt mọi người. Với cô khi ấy, dường như mọi cánh cửa vào đời đã khép lại. Dần dần, bị nỗi buồn và sự tuyệt vọng đè nén, An bị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Đó là sau này, trong hồ sơ bệnh án ghi như thế, chứ lúc đó, mọi người không ai để ý. An hay lo sợ, giật mình bất chợt, hoặc nghe những tiếng nói lạ bên tai, lúc mỉa mai, trách cứ, lúc mắng nhiếc, dằn vặt… Những tiếng nói lặp đi lặp lại suốt ngày đêm, dai đẳng, khiến An luôn sợ hãi. Càng ngày, bệnh tình của An càng trầm trọng nên ba mẹ đành đưa cô đến bệnh viện tâm thần.


Bệnh viện nằm ở một khu ngoại ô yên tĩnh. Nếu thỉnh thoảng không có những tiếng la hét, không có những khu vực có rào sắt cách ly những người bệnh nặng, không có những người mặc áo blouse trắng đi lại… thì An nghĩ cái nơi sạch sẽ và đẹp đẽ này là một khu nghỉ mát. Các nhân viên bệnh viện đi lại nhẹ nhàng, cùng với không gian thanh bình và cách cư xử điềm đạm, nhỏ nhẹ của các y, bác sĩ làm An cảm thấy lắng dịu. Tuy vậy, những tiếng nói kỳ lạ vẫn luôn văng vẳng trong tai An. Theo các bác sĩ, đó là tình trạng ảo thanh, một dạng bệnh tâm thần. An cố gắng tránh tiếng nói ấy, tránh sự ồn ào của các bệnh nhân khác bằng cách ra vườn đọc sách.


 Đôi mắt Trung chiếu vào An một cái nhìn ấm áp. Anh ngồi xuống bên cạnh, cầm quyển sách trên tay cô, mỉm cười: “A! Tuyển tập thơ Xuân Quỳnh, thì ra cô bé cũng yêu thơ”. An ngượng nghịu gật đầu. Đúng là cô rất thích thơ, nhất là các bài thơ tình của các nhà thơ nữ.


Hóa ra Trung cũng rất rành thơ. Chính vì thế, một cách rất tự nhiên, họ nói chuyện về thơ, về tác giả. Trung có vẻ ngạc nhiên khi biết An thuộc nhiều thơ đến thế. Dần dần, câu chuyện chuyển sang tình hình của An. Trung hỏi cô về tuổi ấu thơ, về gia đình, cuộc sống, về những niềm vui và nỗi buồn. Giọng nói nhỏ nhẹ của Trung làm An cảm thấy tin cậy. Cô kể cho anh nghe về sự thất vọng của ba mẹ, về sự dày vò mà cô đã trải qua. Trung lắng nghe, chăm chú và cảm thông.


Từ hôm đó, chiều nào Trung và An cũng ra chiếc ghế đá sau vườn để đọc cho nhau nghe những bài thơ và cùng tranh luận. Trung nói An hãy tranh thủ những lúc rảnh rỗi, thử làm thơ xem sao. Nghe Trung nói cũng có lý nên An mang giấy bút ra làm thơ. Ngày hôm sau, An đem ra vườn, đọc cho Trung nghe. Anh gật gù: “Được đó, An có năng khiếu lắm. Cố lên nhé”.


Tuy vậy, có một điều kỳ diệu đã xảy ra, đó là những khi An làm thơ, những tiếng nói kỳ lạ trong tai không xuất hiện. Điều đó khiến An càng tích cực làm thơ hơn.


Nhờ “sáng kiến” của Trung, cùng việc uống thuốc đều đặn, bệnh tình của An thuyên giảm hẳn. Đôi khi, những tiếng nói lạ xuất hiện, cô chỉ cần gạt đi là được yên tĩnh. Thỉnh thoảng, Trung rủ An cùng các hộ lý đi thăm hỏi những bệnh nhân mới nhập viện. Từ chính trường hợp của mình, An thấu hiểu hoàn cảnh của họ để tìm ra những lời an ủi thích hợp, chân tình.


Một buổi sáng, Trung đến tìm An, hồ hởi báo tin: “An ơi, hôm nay em được ra viện. Em gọi điện báo tin để ba mẹ đến đón nhé”. Cầm tờ giấy ra viện, lướt qua tên bác sĩ điều trị: Lê Thành Trung, An hiểu niềm vui của anh. “Ôi! Em cảm ơn Trung nhiều lắm, nếu không có anh…”. An nghẹn lời, thấy khóe mắt cay cay. Trung mỉm cười: “Thôi, được rồi, em ráng ôn tập, sang năm thi lại cho tốt nhé”.


Năm sau, An đậu vào Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, chuyên khoa tâm thần. Ai cũng ngạc nhiên trước sự lựa chọn này. Ngược lại với suy nghĩ của mọi người, ba mẹ cô không phản đối quyết định của con gái. Tốt nghiệp ra trường, An xin về công tác tại bệnh viện tâm thần của tỉnh. Cầm tờ quyết định nhận công tác của cô bác sĩ trẻ, Phó Giám đốc Lê Thành Trung cười rất tươi: “Trong bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh có mấy câu mà anh em mình cùng thích: Ở ngoài kia đại dương/Muôn nghìn con sóng đó/Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở. Vậy là con sóng có tên Nguyễn Ngọc Minh An đã tới bờ sau muôn vời cách trở rồi phải không?”.


An gật đầu, ánh mắt bừng sáng, rạng rỡ.



. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy