11:06, 12/06/2018

Ngẩn ngơ giếng làng

Nhắc tới giếng làng, người dân từng sống ở miền quê không mấy ai lại không biết. Tùy địa hình, mỗi làng lại có cách xây giếng khác nhau nhưng thường là ở đầu làng, hoặc nơi trung tâm cư dân sinh sống, có cảnh quan đẹp, sạch sẽ, lại có mạch ngầm để nguồn nước quanh năm không bao giờ cạn kiệt. ...

Nhắc tới giếng làng, người dân từng sống ở miền quê không mấy ai lại không biết. Tùy địa hình, mỗi làng lại có cách xây giếng khác nhau nhưng thường là ở đầu làng, hoặc nơi trung tâm cư dân sinh sống, có cảnh quan đẹp, sạch sẽ, lại có mạch ngầm để nguồn nước quanh năm không bao giờ cạn kiệt. Giếng làng ở quê tôi cũng vậy, nằm ngay ở nơi tiếp giáp nhiều con đường nhỏ dẫn về các xóm, nơi cách không xa đình làng là mấy, và nhờ mạch nước tốt nên bốn mùa, lúc nào giếng cũng đầy nước trong veo.


Tôi chẳng rõ, cái giếng ấy có từ khi nào, chỉ biết, ngày còn rất bé, tôi đã lon ton chạy theo mẹ đi gánh nước. Giếng làng với tôi đã trở thành nơi quen thuộc. Rồi lớn lên, cũng giống bao người khác, với tôi, giếng làng chứa đầy những kỷ niệm. Tôi đã thuộc lòng những viên đá lớn bé, xếp thành từng vòng tròn quanh giếng - những viên đá xanh xanh màu rêu vì đã ngâm dưới nước lâu ngày; thuộc lòng vóc dáng những cây duối già lâu đời đứng bên bờ rào gần giếng, cây nào cây nấy đầy những cành cong queo nhưng đến mùa đã cho bọn trẻ chúng tôi những quả vàng mọng nước, ngọt lịm, dù rằng quả duối lớn nhất cũng chỉ bằng hạt bắp.


Tôi đã có những buổi trưa hè cùng bọn trẻ trong làng, đứa nào cũng lưng trần, đen thủi đen thui, đùa nghịch, chạy khắp xóm, khi chơi trò làm lính đánh trận, khi kéo nhau đi tìm tổ chim, rồi sau đó tụ lại bên giếng, thi nhau múc những gàu nước mát rượi dội lên người giữa tiếng hò reo í ới, trong khi trên vòm cây cao gần đó, tiếng của mấy con cu cườm gọi bạn chốc chốc lại vang lên từng nhịp cục cù, cục cù…


Giếng làng là nơi bà con trong xóm đến lấy nước, có người gặp nhau, thường nán lại, chào hỏi rồi trao đổi sơ qua vài câu chuyện nhỏ. Vào những ngày mùa, khi hoàng hôn xuống, giếng thường có đông người, vì cả ngày ai cũng bận rộn, giờ mới có thời gian đi lấy nước về tắm gội. Hàng năm, trước lúc giao thừa, đây là nơi rất chộn rộn, vì ở quê tôi, người ta cho rằng, vào thời khắc ấy mạch nước dẫn vào giếng rất tinh khiết nên nhà nào cũng muốn lấy cho được để về nấu trà dâng lên tổ tiên trong giây phút thiêng liêng khi năm mới bắt đầu với hy vọng được đón nhận sự an lành.


Giếng làng, hai từ ấy có người nào ở quê tôi lớn lên mà không biết đến. Nước trong lòng giếng bao giờ cũng trong veo, nhìn xuống đáy giếng có thể thấy đám mây trắng đang bay qua trên vòm trời cao xanh. Đó là nơi biết bao cô gái làng hết đời này qua đời khác đã thẹn thùng soi bóng mình, rồi bẽn lẽn cười duyên; là nơi để những đôi nam nữ trong các xóm lấy cớ hò hẹn khi tình duyên chớm nở… Ở nơi ấy có những mối tình diễn ra rất đẹp với những hình ảnh mộc mạc nhưng sâu lắng như “Nhớ hôm bên giếng chàng ơi/Chàng đưa mắt liếc làm em rơi chiếc gàu”, và chính nơi đó, cũng có những mối tình trắc trở, người con gái phải đi lấy chồng để lại cho chàng trai nỗi buồn cùng lời than trách như “Tưởng giếng sâu anh nối sợi gàu dài/Hay đâu giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”…


Mộc mạc, đơn sơ, từng chứng kiến bao vui, buồn và giếng làng đã trở thành mảnh hồn quê mà xa rồi ai cũng nhớ như câu ca xưa từng viết “Tròn tròn giếng nước gốc đa/Ai gần nhớ ít, ai xa nhớ nhiều”.


Tôi xa quê đã lâu. Sáng nay, bất chợt thấy bồi hồi khi nghe nhà bên mở nhạc và tiếng hát của nam ca sĩ nào đó đang cất lên trầm ấm với những ca từ đầy sâu lắng trong ca khúc “Giếng làng” của Lê Minh Sơn: Con trâu trắng ngẩn ngơ về trời/Bông mây trắng ngẩn ngơ về trời/Em chân trắng ngẩn ngơ về trời/Giấu đôi thùng gánh nước/Ngẩn ngơ, nụ hôn ở lại/Ngẩn ngơ, ngẩn ngơ…


HOÀNG NHẬT TUYÊN