11:01, 05/01/2018

Trên dòng sông Dinh

Mùa trăng cuối của một năm sáng bàng bạc trong sương giăng đầm đẫm, chúng tôi bơi thuyền thong thả trên dòng sông Dinh thơ mộng sau mùa bão lũ đi qua. Nói là thơ mộng, đó cũng chỉ là cảm giác đang có của chúng tôi. Hai bên sông, những lùm tre, những hàng cây đứng sừng sững, soi bóng mình trên dòng nước trong veo nhuộm ánh trăng vàng.

Mùa trăng cuối của một năm sáng bàng bạc trong sương giăng đầm đẫm, chúng tôi bơi thuyền thong thả trên dòng sông Dinh thơ mộng sau mùa bão lũ đi qua. Nói là thơ mộng, đó cũng chỉ là cảm giác đang có của chúng tôi. Hai bên sông, những lùm tre, những hàng cây đứng sừng sững, soi bóng mình trên dòng nước trong veo nhuộm ánh trăng vàng.


“Sông Dinh có ba ngọn nguồn/Anh nhớ em băng đèo, vượt suối/Nhưng không biết đường tìm đến thăm em” (thơ ca dân gian Khánh Hòa). Không biết đường tìm đến thăm em! Phải chăng vì sông Dinh dài quá, rộng quá, có đến những ba ngọn nguồn! Chắc chẳng phải thế đâu, bởi mảnh đất Ninh Hòa giống như một thung lũng lớn trong đó bị chia cắt thành những thung lũng nhỏ bởi trùng điệp núi đồi. Và như thế Ninh Hòa mới lắm suối, nhiều sông mà chẳng có con sông nào dài, rộng cả. Sông Dinh là con sông lớn nhất trên đất Ninh Hòa. Sông Dinh, theo Đại Nam nhất thống chí ghi là sông Vĩnh Phú, trước đó gọi là sông Vĩnh An, rồi sau gọi là sông Ninh Hòa, sông Dinh… Cũng có nghĩa là, thượng nguồn sông Dinh chính là nơi hợp lưu của ba con sông (ba ngọn nguồn): sông Cái, sông Đá Bàn, sông Cây Sao, và hạ sinh ra nó. Tất cả tên gọi trên nhằm để gọi một con sông chảy qua địa phận huyện lỵ Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), tính từ Vĩnh Phú ra biển. Tất nhiên, mỗi tên gọi đều gắn với một sự kiện, một tên đất tên làng nào đó.


Cảnh vật thiên nhiên hai bên bờ sông Dinh đẹp, lại được gia công, vun đắp, xây dựng thêm những đoạn bờ kè thẳng tắp, nhà cửa mới mẻ, thoáng đãng làm tăng thêm vẻ đẹp lên bội phần và mang hơi thở của cuộc sống con người. Hai bên bờ chủ yếu là những bờ tre, rừng đước xanh mướt, nhiều đoạn xen lẫn bãi cát trắng trải dài với những nhà vườn um tùm cây trái hoặc những vạt đìa nuôi trồng thủy hải sản thành khoảnh, vuông vức, ngăn nắp… Nếu ban ngày, khi đi qua các triền sông sau mùa lũ và đang bước vào xuân, sẽ bao trùm một màu xanh rau, đậu, dưa, bắp, mì… Tôi không thể nào quên những bến sông đông vui nào là người giặt giũ, tắm táp, bơi lội ở mỗi xóm, mỗi thôn. Tôi nhớ như in những trưa hè nắng cháy của tuổi thơ tôi đã đằm mình trong dòng nước sông trong mát hoặc ngồi câu cá dưới những cây sung xòe tán.


Sông Dinh gắn liền với đời sống tình cảm của người dân Ninh Hòa trong đấu tranh giữ đất giữ làng cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương. Hình như, không một người cầm bút nào của Ninh Hòa, dù viết văn, làm thơ, soạn nhạc lại không một lần viết về sông Dinh, hoặc nhắc lại những kỷ niệm ấu thơ, nói lên tình cảm nhớ thương da diết của mình; hoặc gửi gắm, trang trải những nỗi niềm trong cuộc mưu sinh thường nhật. Ví như nhạc sĩ Hình Phước Liên - người sinh ra bên bờ đầm Nha Phu nơi con nước sông Dinh tiếp biển và gắn tuổi thơ mình trong thị trấn dòng sông đi qua - đã khắc lên nỗi nhớ “Ơi con sông Dinh yêu thương và tháng ngày em thơ ấu/Sớm tối qua cầu dừng chân ngắm xuồng câu/Con sông quê chảy từ buồng tim của mẹ…”, “… nếu tôi xa dòng nước xanh của quê nhà/Là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ…”. Ví như nhà thơ Cao Nhật Quyên sau những năm tháng bươn chải, lăn lộn giữa đời, về trầm ngâm trước dòng sông, trong hoàng hôn, chiêm nghiệm đời mình và lặng thầm “Rắc giữa hoàng hôn một cánh muồng”…


Chúng tôi bơi thuyền dọc theo dòng sông thơ mộng. Cảnh vật trên sông Dinh đêm nay cũng vắng lặng, trăng sao in bóng dưới dòng sông. Con sông Dinh đã chứng kiến biết bao điều đã diễn ra trong chiều dài lịch sử đấu tranh xây dựng và gìn giữ quê hương Ninh Hòa từ khi những người mở cõi vượt biển vào đây để mở đất lập làng, rồi qua cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ; từ một huyện ven duyên hải miền Trung trở thành một thị xã rộng lớn. Từ thượng nguồn sông Dinh đến những mảnh đất tụ cư đầu tiên: Lệ Cam, Tiên Du, Bến Đò Lá dọc theo bờ sông đang uốn vòng cung rồi men theo bờ đầm Nha Phu ra biển đã ghi dấu biết bao tên đất, tên người trong công cuộc đấu tranh ấy…  


Sông Dinh một đời vẫn thế. Quanh năm suốt tháng, dữ dội trong những ngày mưa to lũ lớn, hiền hòa xuôi chảy trong tháng ngày còn lại. Sông đã khảm trong lòng người Ninh Hòa biết bao kỷ niệm, buồn vui…, và từ lâu rồi, sông Dinh trở thành biểu tượng của quê nhà trong lòng người Ninh Hòa xa xứ!


PHONG NINH