10:01, 23/01/2018

Hoài niệm trên sân

Lâu lắm mới về thăm nhà vào độ Tết. Phố sá nay rộng hơn, náo nhiệt cùng bụi đường với các cửa hiệu đầy ắp loại hàng hóa. Dòng người xuôi ngược trên trục đường trung tâm không dứt với đủ sắc màu của áo quần và từng khuôn mặt loang loáng trước mắt vẻ hối hả, gấp rút.

Lâu lắm mới về thăm nhà vào độ Tết. Phố sá nay rộng hơn, náo nhiệt cùng bụi đường với các cửa hiệu đầy ắp loại hàng hóa. Dòng người xuôi ngược trên trục đường trung tâm không dứt với đủ sắc màu của áo quần và từng khuôn mặt loang loáng trước mắt vẻ hối hả, gấp rút. Mười năm rồi, phố thị đã thay đổi hẳn. Chỉ duy nhất con sông bên nhà tôi là lở, lở mãi, còn bên kia được bồi, bồi đều, cùng doi cát giữa dòng giờ thành soi mướp để buổi chiều bọn trẻ chống xuồng ra vui đùa.


Tôi đưa Duy, đứa bạn theo tôi từ thành phố ra tới công viên hoa cảnh trong dòng người chen lấn để ngắm từng dãy cúc vàng, hàng chậu thược dược đủ màu, từng nhóm đại đóa, tường vi khoe sắc rồi đi dần tới khu vực cây cảnh. Ở đây trưng bày hàng loạt bonsai, non bộ, kiểng thế trải dài trên sân chang nắng. Tôi và Duy cuốn hút đến miên man bởi vẻ đẹp của từng loại cây trồng chậu cạn bày trên các giá gỗ được thu gọn trong thiên nhiên từ những ghềnh đá cheo leo đến một dốc núi hoang sơ với những tàn cây, bóng lá vươn mình trước phong ba bão táp hay oằn rủ trước miệng vực. Tiếng Duy xuýt xoa khen, còn tôi mê mải ngắm thì có người tới sát bên kèm câu hỏi nhỏ:


- Ngọc phải không?


Tôi ngẩng đầu lên nhìn người đối diện và mừng rỡ:


- Hoàng, đúng Hoàng rồi! Tao về kiếm mày nhưng không gặp.


- Tao về quê lâu rồi.


Tôi và Hoàng là bạn học thuở trường làng và theo gia đình vào phố sinh sống. Hoàng rất mê tạo cây cảnh, bất cứ nơi nào có cây quý hoặc dáng đẹp là nó dẫn tôi tìm bằng được. Quê tôi đất núi có nhiều triền đồi lúp xúp cây nhỏ cằn cỗi để chúng tôi tìm đến lựa chọn đem về uốn sửa. Bao năm rồi không gặp, giờ Hoàng vẫn còn đam mê không bỏ.


Hoàng dẫn tôi cùng Duy sang khu vực trưng bày dự thi. Hàng loạt bonsai khép tán trong chậu, đẹp trầm mặc. Một cổ thụ cằn cỗi vươn mình trong nắng, một bạt phong sần sùi hang hốc nhưng cành nhánh xanh tươi cùng lớp rêu tái tạo xanh rì bên dưới hài hòa mang cả sự hùng vĩ và mang cả hội họa, thi ca. Tôi ngẩn ngơ nhìn với trắc, sam, bồ đề… thì Hoàng kéo áo chỉ cội mai vàng nở nụ bên cạnh:


- Mày nhớ cây này?


Tôi nhìn chậu mai với bộ gốc vững chãi, sù sì lồi lõm, rễ cây lộ trên mặt chậu chạy đều tỏa khắp để ngờ ngợ rồi lắc đầu. Hoàng kéo sang nơi khác có đám đông chụm lại bàn tán. Nó chỉ và tôi nhìn thấy cây tùng buông nhánh dáng nghiêng soi bóng qua hồ nhỏ trong chậu cùng cụ già bằng sứ nơi gờ đá buông cần tĩnh lặng mới bật thốt:


- Già Năm, cây của già Năm làng Phước Hậu…! Ổng đâu rồi ?


Hoàng thẫn thờ: - Mất rồi, ba năm trước…


…Hoàng quen già Năm làng cát Phước Hậu, nơi có những nhà vườn mà nó lân la tìm gặp rồi kéo tôi đến đó. Vườn già Năm rộng, nhiều kiểng cổ với đủ thế. Bọn tôi nghe già Năm giảng giải đạo lý cuộc đời qua từng thế kiểng mới thấy hết cái hồn của nó dù bàn tay khối óc con người sáng tạo. Già Năm đã một thời ngang dọc, sau mới về lại quê nhà cùng đứa con nuôi đen nhẻm với khu vườn người cha để lại.


Tôi vẫn nhớ những vết sẹo chằng chịt nơi ngực của ông làm bọn tôi hơi ớn và cả dáng đi khập khiễng như lao về phía trước định vồ lấy vật gì. Đứa con nuôi của ông vẻ lầm lì luôn ở vườn sau với những luống hoa theo mùa, còn ở phía trước, ngoài những kiểng nhỏ mới tạo còn có khoảng sân gạch đặt những cây lâu năm và bộc lộ sự rêu phong cổ kính với thế dáng hoàn thiện, nhất là cây tùng già thân xoắn tỏa bóng xuống hồ nước nhỏ trầm mặc thì ông không bao giờ bán. Một lần, bọn tôi đưa ông đến nhà, nhìn mảnh vườn nhỏ của Hoàng với những cây đang tạo, ông gật gù. Còn tôi, ông chỉ cười lắc đầu không nói và tôi cũng hiểu mình không có năng khiếu trong nghề này.


Tôi nhớ độ giáp Tết, trời đã se lạnh cùng nắng trải dài trên những cồn cát làng Phước Hậu, bọn tôi đến nhà già Năm với chai rượu cầm tay. Ông đang ngồi trầm tư bên bàn nước cùng đứa con nuôi. Vườn sau không còn một luống hoa, vườn trước cây cảnh cũng hết sạch trừ khoảng sân gạch. Một vị khách đang nài nỉ để mua cội mai vàng chúm nụ với gói tiền dày cộp trên bàn. Tôi đến sát cội mai nhìn sức sống tiềm tàng dù gốc u nần lồi lõm với hoa chuẩn bị nở đều trong đêm giao thừa. Lúc nắng hanh vàng trải dài hết khoảng sân, xa xa có tiếng pháo nổ và tiếng cười đùa râm ran bên ngoài thì ông khách lắc đầu bỏ về. Tôi cùng Hoàng bước vào thấy già Năm đầu cúi gục. Ông ngẩng kên khi tôi đưa ly rượu và đón lấy ngửa cổ uống sạch. Rượu vơi phân nửa, tụi tôi mặt sần đỏ, già Năm bỏ ra ngoài một lúc rồi về với gói lạc rang dành cho hai đứa.


Lần ấy và cũng là lần cuối cùng tôi thấy già Năm đưa tay quệt nước mắt rồi nhìn ra khoảng sân đầy nắng thở dài, trong men rượu chếch choáng tôi chợt thấy cội mai ra hoa vàng rực lung linh theo gió, đẹp lạ.


Hoàng nối lại quá khứ, giọng buồn:


- Mày còn nhớ bữa rượu cuối năm và lúc đó tao cùng mày đâu ngờ rằng đứa con nuôi đã cuỗm sạch tiền và bỏ già Năm mà đi. Ngoài sân thì khách đặt cội mai cả cây vàng nhưng già chẳng bán. Sau này tao mới biết gói lạc rang muối năm ấy, già đã mua chịu để đãi bọn mình…


 Nó thở dài im lặng khi tôi có cảm giác vật gì gặm nhấm nơi vòm ngực đến khó thở, ngột ngạt. Hoàng lại nói:


- Năm sau, già Năm mất. Trước ngày già đi, thằng con nuôi có dẫn về đứa con gái đã gặp đâu đó. Tao ghé thăm, già Năm run rẩy nhắc mày về nhờ tao giữ hộ cây mai vàng thuở ấy. Đám tang xong, đứa con lão bán sạch đất vườn và cây kiểng cho dân đất phố. Gã con nuôi đã đi, cây kiểng già Năm cũng lần lượt rời khỏi xứ này bởi dân sưu tầm cây kiểng bán lại cho khách giá hời đổ về. Đêm nay, mày xem…


Đêm, phố ngập ánh điện. Hội xuân công bố giải trong tiếng hò reo, cây tùng trồng trong chậu cổ đạt giải đặc biệt sau 5 năm giữ vững huy chương cao nhất, kể cả chậu mai của Hoàng mà già Năm gửi lại. Chậu mai của Hoàng được đưa ra ngoài bởi chủ nhân không bán. Hai người đàn ông sang trọng đến gặp riêng nó và cho dù họ xòe ngón tay đến hết bàn tay, nó vẫn im lặng lắc đầu. Lần lượt các cây kiểng được mua khi chủ nhân ra giá. Từng xấp tiền trao tay qua các khuôn mặt hỉ hả. Hoàng kéo tôi ra ngoài nói nhỏ:


 - Lần này chắc cây cuối cùng của già Năm rời khỏi xứ này. Năm nay khách các tỉnh về đông và họ sẽ đem đi, chỉ còn già Năm ở lại…


Khi cây tùng lão, nhánh trầm mặc được ra giá thì hơi nóng ngột ngạt dù bên ngoài sương rơi và gió lạnh hiu hắt thổi đến. Tôi rời đám đông tìm Hoàng, nó đứng ở góc sân xa tiếng ồn ào và tôi lại nhớ già Năm với căn nhà tồi tàn gió hun hút thổi từng cơn lạnh lẽo cùng bữa cơm cuối năm với món lạc rang mua chịu của già. Tôi đặt tay lên vai Hoàng để nhận thấy người nó run lên từng đợt trong màn sương buông xuống dày cả khoảng sân mờ mờ.


Rồi cũng kết thúc cuộc mua bán, chiếc xe con choáng lộn từ xa trờ tới. Cây tùng cổ thụ năm xưa nơi sân vườn cũ lần nữa lại sang tay chủ mới. Tôi và Duy tạm biệt Hoàng khi nước mắt nó chảy dài trên má và nhìn theo bóng xe đưa cây tùng già Năm khuất dần trong đêm tối trong mưa xuân mịt mù che phủ.


Tháng sau, tôi nhận thư Hoàng chỉ vẻn vẹn dòng chữ: “Cây tùng già Năm đã chết nơi biệt thự đẹp nhất phố thị”. Tôi nhớ già Năm đầu cúi gục trên bàn trà lạnh năm nào với ánh nắng lấp lánh trải dài khi xuân đã qua…


Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo