11:12, 05/12/2017

Một ngày chớm đông

Từ tháng Mười âm lịch trở đi xem như là mùa đông ở quê tôi. Những ngày cuối năm thường kéo theo mưa, có khi là những cơn bão khiến bầu trời lúc nào cũng thấp xuống một màu xám và không gian trở nên ẩm ướt bởi những cơn mưa kéo dài.

Từ tháng Mười âm lịch trở đi xem như là mùa đông ở quê tôi. Những ngày cuối năm thường kéo theo mưa, có khi là những cơn bão khiến bầu trời lúc nào cũng thấp xuống một màu xám và không gian trở nên ẩm ướt bởi những cơn mưa kéo dài. Những ngày chớm đông năm nay có một cơn bão lớn vào thành phố, kéo ngã không biết bao nhiêu cây xanh trên những con đường lớn nhỏ, nhìn thấy ai cũng chạnh lòng.


Trong cơn bão đi qua, bạn đã gọi điện cho tôi để hỏi thăm: Cô ơi, em nghe Nha Trang đang bão, cô có sao không? Một lời hỏi thăm làm ấm lòng. Không đủ thời gian để kể cho em nghe về cơn bão đang hoành hành ở quê tôi, về gió, về những cơn mưa, về sự thắc thỏm lo âu, nhưng trong khi bối rối ấy tôi lại nhớ về em, nhớ rất rõ như mới gặp em ngày hôm qua.


Trong ký ức của tôi, em là một cậu học trò nhỏ, mảnh khảnh, có đôi mắt rất sáng, ngồi ở cuối bàn đầu, lúc nào cũng chăm chú nghe tôi giảng bài và nhoẻn cười khi tia nhìn của tôi tình cờ chạm vào mắt em. Khi tôi còn làm nghề dạy học, em mới học lớp bảy, chăm học, hiền lành, ngay cả khi trả bài giọng nói của em cũng chậm rãi. Nhưng vẻ rụt rè đáng yêu đó lại làm tôi nhớ em nhiều hơn trong số học trò ngày ấy của tôi. Trong bao xô đẩy của cuộc sống, tôi bỏ nghề, em cũng mất hút trong những kỷ niệm ít ỏi trong đời dạy học của tôi. Cho đến nhiều năm sau, tôi gặp lại em trong cái thế giới phẳng của công nghệ. Nếu em không nói thì tôi không thể nào nhận ra người học trò năm xưa, sợi dây của tình thầy trò được kết nối lại, không chỉ có em mà gần như hết lớp học mà tôi đã chủ nhiệm ngày ấy.


Em kể, tuy em đang ở rất xa nhưng em luôn nghĩ về quê nhà. Trong trí nhớ của em lúc nào cũng có hình ảnh của ngôi trường tuổi thơ, nơi em và tôi có dịp gặp nhau. Người đàn ông bây giờ, đang làm thầy giáo, dạy học cho những đứa trẻ như mình hồi xưa. Em nói, mỗi khi đứng trước học trò, em thường nhớ về trường cũ và trong những kỷ niệm ấy bao giờ cũng là hình ảnh cô mặc áo dài đứng trước bảng đen và đọc thơ. Em hỏi tôi có tin không khi em nói em chưa hề quên những lời tôi đã nói ngày ấy.


Đó là một hạnh phúc, niềm hạnh phúc ấy làm tôi chảy nước mắt vì vui mừng. Không vui sao được khi bỏ nghề từ nhiều năm mà tôi vẫn còn được học trò cũ nhớ đến. Hàng năm, lớp của em vẫn tổ chức một ngày họp lớp. Năm nào tôi cũng được mời về trường cũ tham dự buổi họp mặt đó. Ngôi trường nho nhỏ có mấy cây bàng cổ thụ và mấy cây phượng mới đơm hoa là nơi lưu giữ khoảng đời thanh niên đẹp nhất của chúng tôi. Chúng tôi là hầu hết các thầy cô được các em mời về lại trường. Này thầy Trí dạy toán, này cô Lợi dạy sinh, cô Vấn dạy văn… Không thể nào tưởng tượng được những con người đã trưởng thành đó lại từng là học trò của mình và thương làm sao khi thầy trò tóc đều hoa râm như nhau mà chúng tôi vẫn được trân trọng, trước mặt mình các em vẫn là những đứa trẻ mới mười mấy tuổi dạ thưa lễ phép, cung kính cúi đầu.


“Năm nay em sẽ về cùng họp lớp với các bạn. Cô nhớ cũng về trường nghe cô”. Đó là lời hẹn của em sau khi thăm hỏi tôi trong cơn bão tháng Mười một. Gần bốn mươi năm đã đi qua, tôi không hình dung được em bây giờ như thế nào, tôi chỉ nhớ đôi mắt đen, nhỏ nhưng rất sáng của em. Tôi cũng nhớ nụ cười rụt rè của em mỗi khi tặng cho tôi trái ô ma chín vàng mà em mới hái trong vườn nhà. Tất cả đều thuộc về kỷ niệm, là những thứ tôi còn lưu giữ được trong tim dù đã lâu rồi tôi không còn thuộc về bảng đen phấn trắng.


Sau khi cơn bão đi qua, trời lại xanh và nắng lại vàng. Tôi hẹn với em, tôi sẽ cùng về trường cũ để được sống lại những khoảnh khắc hạnh phúc của nghề làm thầy. Chúng tôi sẽ ôn lại chuyện cũ khi tôi còn tuổi thanh niên và em mới là cậu bé tuổi lên mười. Và hơn hết tôi sẽ được gặp lại em, nghe em kể chuyện em làm thầy giáo, thầy trò chúng tôi sẽ là những đồng nghiệp chia sẻ với nhau về những vui buồn của nghề dạy học.


Những ngày chớm đông sẽ ấm hơn và đẹp hơn cả triệu đóa hoa hồng.


Lưu Cẩm Vân