11:05, 30/05/2017

Mít vườn nhỏ múi thơm xa…

Mùa mít bắt đầu từ giữa mùa xuân đến cuối mùa hè. Đi qua vườn nhà nào có trồng mít, mùa mít chín lan tỏa mùi thơm lừng, "mít vườn nhỏ múi thơm xa, cây kia lắt lẻo dơi đà muốn ăn".

Mùa mít bắt đầu từ giữa mùa xuân đến cuối mùa hè. Đi qua vườn nhà nào có trồng mít, mùa mít chín lan tỏa mùi thơm lừng, “mít vườn nhỏ múi thơm xa, cây kia lắt lẻo dơi đà muốn ăn”.

 

Ở quê tôi, vườn nào cũng có vài cây mít. Trồng mít có trái ăn, lấy gỗ dùng làm nhà, đóng các vật dụng rất tốt, cho nên ông bà có câu: “Nhà ngói, cây mít”! Hồi nhỏ, tôi chỉ biết có loại mít ráo và mít ướt. Theo kinh nghiệm, “cắt ra nhiều mủ là trái mít ướt”, hay “nhọn gai mít dai (mít ráo), tẹt gai mít mật (mít ướt)”. Sau này, tôi mới biết mít ở quê tôi có nhiều loại: mít nghệ, mít dừa, mít tố nữ… Trong “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn có ghi chép về người Trung Quốc nói về trái mít của ta và họ gọi là trái “ba la mật”, là tiếng Phạn paramita - có nghĩa là giác ngộ, giải thoát. Họ còn nói mít rất thơm, ngọt, hột mít nấu ăn rất bổ.


Nói đến hột mít là nói đến món ăn dân dã. Hột mít nấu chín với một chút muối, chấm đường mật hay ăn với đường tán thì ăn đến no. Hột mít còn đem hấp cơm hay đem lùi trong tro nóng, mít lùi ăn bùi bùi, thật ngon. Còn xơ mít thì không bỏ. Nhà nghèo ngày xưa có cảnh “còn duyên buôn nhãn bán hồng, hết duyên bán mít cho chồng nhặt xơ…”. Tuy nhiên, ăn mít, nếu “mít ngon anh đánh cả xơ”…, nhất là mít ướt. Xơ mít ráo thì dai hơn, ít ngọt nên các bà nội trợ thường dùng để chế biến các món ăn, như: xơ mít xào, xơ mít kho với cá nục, xơ mít phơi khô đem thắng với đường mật… Mít ướt ăn không hết người ta làm bánh mít. Ngoài ra, mít chín còn làm mứt mít, bánh ít mít, bánh bao mít, mít hấp… và cả làm mắm mít, rượu mít. Còn cùi mít, qua bàn tay khéo léo của các bà nội trợ, sẽ trở thành món ngon mang tên cùi mít muối xả ớt… Mít không những ăn chơi mà còn là loại lương thực, có thể ăn thay cơm, như ông bà đã nói: “Ăn mít thì ít ăn cơm”. Tóm lại, cả trái mít người ta dùng hết từ múi, hột, xơ đến cả cùi mít.

 

Mít non cũng được dùng trong chế biến món ăn, nhất là món gỏi mít non luộc, nấu canh, hầm với thịt, cá… và là món ngon nên đã nhiều lần “Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Mít non, người ta ăn cả xơ, như có anh chàng đã tán tỉnh cô gái: “Mít non ai nỡ bỏ xơ, anh đây mới thật trai tơ chờ nàng”.


Cả cây mít người ta đều dùng hết. Gỗ mít có mùi thơm nhẹ, thường dùng làm đồ mỹ nghệ, các sản phẩm nội thất khác. Lá mít, theo Đông y cũng là một vị thuốc chữa một số bệnh. Và lá mít gợi lại một thời tuổi thơ, kết lại thành vành đội lên đầu, hay kết thành hình con trâu có hai sừng nhọn cho em nhỏ chơi… Trái mít chín cũng gợi cho ta người mẹ già suốt đời hy sinh, chăm sóc nuôi dưỡng con cái, không biết lúc nào mẹ rời xa ta, “mẹ già như mít chín cây, gió đông cũng sợ, gió tây cũng buồn…”.


NGÔ VĂN BAN