09:04, 21/04/2017

Chỉ là mơ thôi

1. Em rảnh không? Chúng mình đi uống cà phê - Anh nhắn tin.


- Ok! Cô trả lời, ngắn gọn.

1. Em rảnh không? Chúng mình đi uống cà phê - Anh nhắn tin.


- Ok! Cô trả lời, ngắn gọn.


Vẫn là quán cà phê Lãng du và cái bàn nhỏ trong góc. Như mọi khi, anh gọi cho mình ly đen và cam vắt cho cô. Đặt người xuống ghế, nhìn vào khuôn mặt thân thương của anh, lòng cô chợt ấm áp. Anh khuấy ly cà phê, miệng mủm mỉm cười. Nhưng lần này không phải là câu hỏi “Em vẫn khỏe chứ?” như mọi khi.


“Thầy sắp kết hôn!”. Anh nói. Cô khẽ rùng mình, ngước lên nhìn.


- “Em ngạc nhiên hả? Ừ! Thầy muốn em là người đầu tiên biết tin này, tất nhiên là sau cô ấy, vợ sắp cưới của thầy”.


Thầy! Lúc nào cũng thầy! Làm như không xướng lên như vậy, cô sẽ quên mất vị trí của họ. Quên mất giữa cô và anh là một khoảng cách thăm thẳm, tưởng như vô tận mà dù rất muốn, cô vẫn chẳng thể nào xóa bỏ…


Cô cố giữ giọng bình thản: “Vậy ư? Cô ấy là ai ạ?”. Một đốm sáng bừng lên trong mắt anh: “Em cũng biết cô ấy đấy! Là cô giáo dạy văn của em, hồi cấp 3…”.


Cô bóp chặt cái thìa trong tay, đưa những đường vòng trong ly nước cam, như một quán tính không thể dừng: “Em chúc mừng thầy”. “Thế còn em thì sao? Đã có ai chưa? Hay là đang bí mật?”. “Không đâu ạ! Em bận quá, chẳng có thời gian nghĩ đến chuyện yêu đương”. Anh cười to. Rồi, trở lại trong vai trò “thầy”, anh khuyên cô đủ thứ. Vẫn là những câu cô nghe không biết lần thứ bao nhiêu. Chỉ lạ là sao cô không chán: “Học vừa thôi cô bé”, “Em không được chủ quan với sức khỏe của mình đâu đấy!”, “Dạo này còn hay lội mưa không? Dễ bị cảm lắm”… Nhưng hôm nay cô không nghe được gì ngoài một điệp khúc: “Thầy sắp kết hôn”.


Khi anh đứng dậy, nói đã muộn, sẽ đưa cô về, cô bước đi lảo đảo như người say. Cô thấy trái tim mình đang vỡ ra từng mảnh. Hóa ra những gì cô từng ảo tưởng và mong đợi chỉ là mơ thôi…


2. Cô là học trò cưng trong lớp chuyên toán anh dạy. Cô yêu môn toán. Niềm say mê ấy được nhân lên mỗi khi đến giờ của anh. Cách diễn giải khúc chiết. Giọng nói truyền cảm. Những minh họa sinh động đến độ những khái niệm toán học trừu tượng bỗng trở thành đơn giản. Nhưng khi anh đề nghị trực tiếp bồi dưỡng để cô dự thi học sinh giỏi cấp huyện thì cô từ chối. “Em có thể cho thầy biết vì sao?”. Cô im lặng vì không thể nói là do nhà nghèo và cô quá bận rộn.


Một hôm, anh đột ngột xuất hiện ở nhà cô. Anh xin mẹ cô cho phép anh trở thành “người giúp việc”. Mẹ cô ái ngại: “Tôi lấy gì trả công cho thầy giáo?”. Anh nhìn cô, lúc ấy đang ngồi băm mớ bèo vừa vớt sau ao. “Cháu chỉ muốn giúp Hiền xong việc sớm”. Mẹ cô ngơ ngác: “Để làm gì?”. Anh cười: “Cháu muốn bồi dưỡng để Hiền tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện sắp tới. Rồi em còn phải vào đại học nữa chứ ạ”. Mẹ cô thở dài, lẩm bẩm: “Làm gì có tiền mà vào đại học?”. Anh hăng hái: “Cháu sẽ hết sức giúp đỡ Hiền”.


Từ đó, chiều nào anh cũng đến, cùng giải quyết việc nhà để cô có thêm thời gian ngồi vào bàn học. Thỉnh thoảng, thầy trò giải lao, nói chuyện. Anh không những cho cô những lời khuyên chân tình mà còn tâm sự về chuyện tình cảm. Anh đã từng yêu một cô gái thành phố. Nhưng rồi cô ấy bỏ anh để đi theo một chàng trai nhà giàu. Anh chán nản, bỏ về miền quê hẻo lánh này. “Nhưng thật vui vì ở đây anh lại có cô học trò thông minh như em”. Cô cúi đầu, tâm hồn lâng lâng.


Cô được giải nhất môn toán ở huyện rồi giải nhì cấp tỉnh. Cùng với sự tiến bộ về kiến thức toán học thì những tình cảm với anh cũng thăng hoa, ngày càng mãnh liệt. Anh là thần tượng để cô noi theo, vượt qua những nhọc nhằn trong cuộc sống.


Cô đậu vào Trường Đại học Sư phạm. Cũng trong thời gian này, anh được chuyển về một trường chuyên trong thành phố. Vậy là thầy trò lại có dịp bên nhau. Năm đầu, cô vẫn đều đặn nhận số tiền “trợ cấp” của anh đưa, với lý do hết sức chính đáng: “Nếu em ngại thì coi như thầy cho vay. Khi nào em đi làm sẽ trả”. Sau đó, cô tìm được việc làm thêm, lại có học bổng nên dứt khoát từ chối tiền của anh. Anh nghiêm nghị: “Em có còn coi thầy là thầy không? Nếu em không nhận, thầy sẽ không còn lý do để “dính dáng” đến em. Em muốn thế sao?”. Làm sao cô có thể không “dính dáng” đến anh được?


Anh đến thăm cô đều đặn vào các buổi tối thứ 7, khi cô có giờ trống. Bên tách cà phê và ly nước cam trong quán Lãng du, hai thầy trò vẫn hào hứng với chuyên đề toán học. Tuy vậy, đôi khi cô muốn nghe từ anh một lời nói khác. Không phải là những lời của thầy giáo nói với học trò. Cô muốn anh thay đổi cách xưng hô, đừng dùng chữ “thầy” xa cách nữa. Nhưng hình như các tín hiệu cô phát ra quá yếu ớt nên anh không nhận ra? Không sao. Cô có thể chờ đợi. Điều quan trọng là cô vẫn luôn nhận được ánh mắt dịu dàng cùng những chăm sóc chu đáo của anh, qua những gói quà nho nhỏ: bịch trái cây, lốc sữa, cái áo len khi trời trở gió…


3. Hiền, em sao thế? Hình như em khóc?


Anh hỏi khi hai người đứng trước cửa nhà trọ. Ánh đèn pha rất sáng của chiếc xe máy vừa lướt qua đã cho thấy đôi mắt mọng nước của cô. Cô vội vã đưa tay quẹt ngang: “Không phải, có con gì vừa chui vào mắt em”.  Thật bất ngờ, anh cầm bàn tay cô, bóp nhẹ: “Hiền, hãy nghe thầy… Nghe anh nói đây”. Lần đầu tiên anh xưng “anh”. Song, lạ thay, cô lại thấy đau nhói trong ngực. “Anh hiểu tình cảm của em, nhưng… Em đừng nhầm lẫn giữa lòng biết ơn và tình yêu. Em còn trẻ lắm. Rồi em sẽ tìm được tình yêu đích thực của mình”.


Cô quay đi, lặng lẽ gật đầu…


. Truyện ngắn của Trần Thị  Giao Thủy