10:04, 14/04/2017

Bờ lưng của má

Dạo này trời trở gió, phần lo chuyện nhà nên lưng má trở nên khọm hẳn xuống, thi thoảng lại còn ho sù sụ. Mái tóc đen bắt đầu ngả màu theo nắng gió, được vén gọn qua chiếc khăn nhung bà ngoại cho từ thuở má tóc hãy còn xanh.

Dạo này trời trở gió, phần lo chuyện nhà nên lưng má trở nên khọm hẳn xuống, thi thoảng lại còn ho sù sụ. Mái tóc đen bắt đầu ngả màu theo nắng gió, được vén gọn qua chiếc khăn nhung bà ngoại cho từ thuở má tóc hãy còn xanh. Cái điệu ngồi một chân bắt chéo, tay chống người nghiêng nghiêng đếm từng đồng tiền lẻ bỗng trở thành hình bóng quen thuộc mỗi chiều tôi thấy. Những đồng tiền lẻ ấy bao giờ cũng được má cất ngay ngắn vào một chiếc hộp nhỏ mà chiều nào má cũng đếm đi đếm lại cả chục lần. Dăm đồng lẻ dư cũng làm má vui, mắt má sáng lên thấy rõ, bữa nào lỗ, má lại tặc lưỡi cất vào… Ấy vậy mà dễ cũng đã chục năm, ấy vậy mà cũng đã rất lâu rồi một tay má chèo chống gánh vác cả gia đình.

 

Minh họa: xuân đinh
Minh họa: xuân đinh


Ngày ba đi bộ đội, hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh không chỉ cướp đi của ba một phần máu thịt, mà còn để lại trong người ba một mảnh đạn găm ngay chân để mỗi khi trái gió chân ba sưng tấy lên rồi đau nhức. Khi còn nhỏ, tôi hay ngồi xoa xoa vết thẹo nơi chân ba mà hỏi:


- Nó làm đau chân ba, sao ba hổng lấy nó ra?


Ba chỉ cười:


- Bình thường nó cũng nằm yên, cũng “ngoan”, có điều dạo này trời động, nó cũng tranh thủ “động” thôi con.


Ngày ấy còn bé quá, tôi nào hiểu được mảnh đạn găm sâu vào dây chằng không thể lấy ra được, nghe ba nói thì nghe vậy thôi. Ba ở nhà đan lưới, những khi trời nắng, chân không đau thì theo mấy anh thợ hồ, chỉ còn mình tôi suốt ngày quấn quýt bên má. Má làm cô giáo, đám bạn hay ghen tị với tôi cũng vì được má dạy dỗ nên người. Má hay kể tôi nghe ước mơ từ nhỏ của má là làm cô giáo vì quê má xưa nghèo lắm, trẻ con thất học nhiều, sống lang thang cù bơ cù bất rồi hư. Tôi theo đám nhỏ ngồi nghe má giảng bài, hình ảnh má trong chiếc áo dài in sâu trong mắt tôi.


Tôi hay nói với má:


- Con rất thích nhìn lưng của má những khi má viết bảng. Lúc đó con rất tự hào, rất hãnh diện khi có một người mẹ đứng trên bục giảng viết từng con chữ nắn nót dạy con, dạy bạn con học.


Tôi hay ngồi sau yên xe đạp ôm trọn bờ lưng mềm như mây ấy trên mỗi con đường đến trường, thế nhưng khoảnh khắc ấy chẳng bao lâu thì bờ lưng mềm của những chiếc áo dài cô giáo thay thành bờ lưng thô ram ráp của những chiếc áo xù xì má may vội cho có mặc. Chân ba trở nên đau nặng khiến ba nằm hẳn ở nhà, má trở thành lao động chính mà đồng lương giáo viên ít ỏi không đủ với một nhà mấy miệng ăn. Má nghỉ làm thay ba đi bốc vác. Ngày ấy, ở xóm nhỏ của tôi, bốc vác tuy nặng nhọc nhưng kiếm được khá, ngày ít thì vài chục đồng, ngày siêng thì cũng được bữa cơm đầy. Mỗi sáng má vẫn chở tôi đến trường đều đặn, tôi ôm ghì lấy lưng má, bờ lưng bỗng trở nên to bè quá đỗi, tôi sờ vào thấy ram ráp. Cái ráp của những chiếc áo dính đầy đất cát, cái ráp của vôi vữa khô cứng lại và cả mùi mồ hôi khá nồng còn vương lại của ngày qua. Má ngoái đầu ra phía sau hỏi tôi:


- Sao vậy con? Hôi lắm hả con? Má xin lỗi nghen.


Tôi ôm ghì lấy má, hai bàn tay bé xíu chưa chặt nổi một vòng ôm.


- Thế có thích lưng má nữa hông?


- Thích chớ má, lưng của má nay rộng hơn nhá, con áp được cả mặt vào này.


Má cười hì hì, tiếp tục những vòng quay. Bờ lưng ấy là bờ lưng của tháng năm vất vả nuôi tôi lớn. Là bờ lưng mà tôi thấy mỗi khi vắt vẻo trên yên xe đạp mỗi mùa mưa, hai bàn chân má cứ như bấu chặt vào lớp bùn dày trên đất cho xe khỏi ngã để đưa tôi đến trường. Là bờ lưng đã đặt tôi vào một bên thúng, một bên là đám rau má gặt vội để đương buổi chợ vì không ai trông tôi. Là bờ lưng đã ngồi xỏ từng mũi kim gà gật sau một ngày làm việc mệt mỏi nhưng vẫn cố thức mỗi khi tôi đến kỳ kiểm tra để tôi không cô độc học một mình.


Tôi lớn lên theo thời gian thì lưng má hãy còng rạp. Bờ lưng rộng ngày nào thay đàn ông trong gia đình nay trở nên nhỏ bé hơn quá đỗi. Nhìn má ngồi lượm lặt từng hạt thóc vỗ béo cho lũ vịt chạy đồng mà tôi thấy thương. Khi tôi bước vào đại học, má chạy vạy bán buôn khắp nơi lấy tiền cho tôi lên phố. Đêm trước khi tôi đi, hai má con ngồi nói chuyện tới tận khuya. Tôi nhúng nước lau người cho má, thấy lưng má chằng chịt những vết sẹo:


- Ngày xưa vác dữ quá nó thành hằn rồi thành sẹo, chứ giờ lâu quá rồi hổng có đau gì mấy. Thấy lưng má vậy xấu lắm, có còn thích dựa vào nữa không?


Tôi chẳng thể nói nên lời mà cứ ôm má khóc túc tắc. Má cứ để tôi ôm, hiền từ rồi ngồi xếp đồ, ngồi dặn dò tôi từng li từng tí, chốc chốc lại đột nhiên rầy tôi vì lo lắng. Má tiễn tôi đi, tôi không thấy được bóng lưng của má vì má cứ dõi theo tôi vẫy vẫy, cái bóng dáng nhỏ bé ấy trở nên mờ ảo trong đám khói miền quê.


Bốn năm đại học, tôi không về quê lấy một lần vì quê xa quá, mà thời gian nghỉ lại ít, nỗi nhớ má trở thành những bức thư dài tít tắp không hồi kết và những cuộc điện thoại vội vàng. Thi thoảng thấy những bóng lưng của ai đó trên đường, tôi chợt giật mình đứng khóc ngẩn ngơ vì nỗi nhớ má dâng lên ào ạt, lúc nào má cũng nói “má ổn” để tôi khỏi lo, cố học cho thành tài. Tôi chợt nhớ bóng lưng của má tự lúc nào đã thành điểm đích mà tôi muốn hướng đến từ những ngày tôi còn bé hay lẽo đẽo theo má ra đồng. Khi ấy, bàn chân bé nhỏ của tôi cứ đi lên những vết chân của má, ngẩng lên là thấy lưng má to bè đang bước thật nhanh. Má hay dẫn tôi theo mỗi mùa lúa gặt, để tôi trên bờ, tôi rảnh tay thì thể nào cũng quơ được mấy anh châu chấu béo ụ về chiên cũng được miếng cơm. Cái khoảnh khắc một đứa trẻ ngước nhìn lên thấy lưng má nó dưới ánh nắng đẹp một cách kỳ diệu lắm.


Sau bốn năm, cuối cùng tôi cũng về lại chốn quê cũ, vẫn ngôi nhà nhỏ, vẫn mảnh sân nhỏ, vẫn vườn rau chăm bẵm má tôi trồng. Má tôi đang cặm cụi quét sân, bờ lưng nhỏ cong rạp như tựa cả vào chiếc chổi nhỏ má đang cầm, mái tóc đổ màu. Tôi khẽ gọi:


- Má ơi!


Má ngẩng lên nhìn tôi. Bao nhiêu ký ức đổ lên màu hoàng hôn trong mắt tôi trôi tuột vào vòng ôm của má. Giờ thì bàn tay tôi đã đủ để có thể xiết chặt nhau ôm trọn má rồi.


- Má ơi, con về rồi - Tôi rưng rưng - Đã đến lúc con là bờ lưng, là chỗ dựa cho má tựa vào rồi đấy.


Má tôi cười tươi trong nắng, tấm bằng sư phạm với ước mơ bỏng cháy nung nấu trong tim tôi, tất cả đều đang được bắt đầu.


. Truyện ngắn của Lê Hứa Huyền Trân