12:04, 01/04/2017

Biển của một thời

Đơn vị Thắng đóng chốt trong tòa nhà cổ có vòm tròn trên sân thượng như quả trứng. Cấp trên giao cho tiểu đội của Thắng canh giữ kèm theo một mệnh lệnh, nơi đây là mục tiêu quan trọng vì vốn là tòa nhà hiến binh nhưng điều quan trọng nó có điểm cao quan sát toàn bộ bãi biển phía nam của thị xã Nha Trang.

Đơn vị Thắng đóng chốt trong tòa nhà cổ có vòm tròn trên sân thượng như quả trứng. Cấp trên giao cho tiểu đội của Thắng canh giữ kèm theo một mệnh lệnh, nơi đây là mục tiêu quan trọng vì vốn là tòa nhà hiến binh nhưng điều quan trọng nó có điểm cao quan sát toàn bộ bãi biển phía nam của thị xã Nha Trang. Phía tây bắc có cầu Xóm Bóng - Tháp Bà và cả cửa sông Cái. Có một người dân bản địa sau khi quen thuộc với những anh lính giải phóng đã kể với giọng rất thành kính: Đây là ngôi nhà làm việc của ông Năm có tên là A. Yersin, người sáng lập ra Viện Pasteur có mái ngói đỏ ở giữa bãi biển kia…


Dù là cắm chốt ở tòa nhà này nhưng đơn vị của Thắng vẫn thay nhau đi tuần tra ven biển. Con đường tuần tra ven biển của tiểu đội Thắng thật lãng mạn, băng qua bờ rào tigôn, đi trên thảm rau muống biển mà mỗi sớm mai nở tím rực như bìm bìm ở quê, rồi dừa đổ nghiêng như người con gái ngả lưng vào lòng người yêu… Cả đoàn cứ đi tới khi nào gặp vạt rừng dương kín mịt ở cổng sân bay thì quay lại.  


- Này cô gái, sao còn ngồi một mình ở đây? - Ba chàng lính đứng sau nhìn cô gái đang ngồi trên bờ đá bên bờ biển, trời đã sẩm tối.


- Dạ! Con…. - Cô gái quay lại nhìn những chàng lính trẻ cầm súng sợ hãi. Thái độ đó làm các chàng trai cũng bối rối. Thắng nói:


- Thôi cô về nhà đi, sao lại ngồi ở đây vắng vẻ, nguy hiểm lắm!


- Dạ… con xin nghe lời chú!


Nghe đến đây, các chàng lính trẻ cười ồ, vì lần đầu tiên họ được người gọi là chú với giọng “dễ thương quá”.


 Rồi không hiểu vì sợ hay lúng túng mà cô gái đứng dậy dắt chiếc xe đạp mini xanh không được, bánh trước bị lún sâu xuống cát làm Thắng phải dắt giùm lên tới tận đường nhựa.


- Con cám ơn chú nhiều nghe! - Thắng nhìn theo mái tóc ngang lưng mềm mại trong gió ẩn nhòa vào hoàng hôn phía tây. Bất giác Thắng thầm nghĩ, cô ấy tên gì nhỉ?


* * *


Dân Nha Trang tắm biển thật lạ, cứ sáng sớm bãi biển đã kín người, người ta chở nhau bằng xe đạp, xích lô, cả xe ba-gác chất đầy nam phụ lão ấu ra tắm. Họ tắm biển sớm hoặc buổi chiều, như để thưởng thức gia vị của thiên nhiên.


Nhóm Thắng cũng hòa vào họ, chẳng ai để ý gì đến những chú lính giải phóng cả, chỉ có điều mỗi khi anh em gọi nhau bằng tiếng bắc thì người ta ý nhị cười.


 Rồi một lần, Thắng phát hiện ở đằng xa có chiếc xe đạp màu xanh. Anh đã nhận ra cô gái “chiếc xe mini màu xanh” đang tắm. Cô nàng bơi quá tốt, ra rất xa. Nhìn thấy tay Thắng chỉ, nhóm bạn lắc đầu tuyệt vọng, chỉ còn mỗi Thắng vốn là tay bơi mới có cơ hội… xuống biển.


- Chào cô gái xe đạp màu xanh!


- Ủa, chú giải phóng! Chú cũng ra tắm biển à?


Ở trong bờ, nhóm bạn đang nhấp nhỏm không biết chàng thi sĩ nói gì mà khi lên bờ thì đôi bạn đã nói chuyện rôm rả. Hải, bạn thân của Thắng ngã vật xuống cát than: “Thôi chúng mình đành bỏ thằng Thắng ở lại Nha Trang rồi!”.


* * *


Thúy là con gái của một chủ nhà may nổi tiếng ở đường Độc Lập: Áo dài Sơn Thanh Tuyền. Thúy cao nên có lần gặp Thúy đi chơi với bạn trên phố với quần ống loe cùng đôi dép sapo mút cao thấy  nàng cao vút. Gặp nàng với trang phục đó, Thắng thấy bối rối tới tự ti. Biết ý nên mỗi lần Thắng tới thăm nhà, Thúy đều mặc bộ bà ba. Nhưng với bộ bà ba xẻ hai bên hông lộ làn da trắng hồng cũng làm Thắng hơi ngợp.


Thúy kể lại rằng hôm gặp Thắng cùng đồng đội cầm súng ở bãi biển làm cô hết hồn không khác gì sáng 2-4-1975 xe quân giải phóng chạy ầm ầm trên đường phố. Đường Độc Lập nơi nhà Thúy ở nhà cửa đóng kín, ai cũng ngồi im phía sau nhà, vì thỉnh thoảng có tiếng súng không biết của bên nào vang rền, có loạt đạn băm vào cửa sắt ghê người.


- Anh Thắng biết Thúy thấy hết sợ các anh là nhờ gì không?


- ???


- Đó là anh cầm quả dừa non đó. Giống như thằng nhỏ em của Thúy hay ra biển nhặt mấy quả rơi.


Thắng đỏ mặt, quê anh không có dừa nên đúng hôm đó đi tuần thấy quả dừa rơi trên cát nên anh nhặt mà chưa biết làm gì…


Chiều đó, Thúy với Thắng dạo ra biển chơi. Thắng không ngờ Thúy lại mạnh dạn thế, lấy hẳn chiếc xe máy Honda nữ màu xanh chở anh đi. Ngồi sau xe, mặt anh cứ đỏ nhừ vì ngượng nhưng làn tóc của Thúy cứ bay tấp vào mặt càng làm cho anh không biết tính sao.


* * *


Đơn vị Thắng ở Nha Trang hơn 1 năm thì có lệnh chuyển, tòa nhà giao cho bên công an tiếp quản. Đơn vị anh được lệnh đi về phía nam nhận nhiệm vụ mới, sau này mới biết là biên giới Tây Nam.


Thắng đến nhà Thúy thì được biết Thúy đã đi làm nhân viên hợp tác xã làm mành trúc gần đó. Người nhà dẫn Thắng đến thì thấy Thúy đang nói chuyện với một anh chàng tây, sau này mới biết đó là chàng trai người Na Uy. Thúy nói tiếng Anh rất thành thạo. Thắng ngỡ ngàng vì cô tiểu thư con nhà giàu tư sản giỏi giang vậy mà đi làm việc tay chân xâu những đốt trúc làm những bức mành sáo.


- Ôi anh Thắng phải chuyển đi à?


- Anh được lệnh, mai lên tàu vào nam rồi, tới tạm biệt Thúy đây.


Thúy lặng người quay đi, làn tóc bay thoảng… Phía bên kia đường, những đám xà cừ khô rụng xuống bị gió lùa qua lùa lại bất định xôn xao.


Chiều đó, Thắng với Thúy tới quán Chiều Tím ở đường Triệu Ẩu. Thắng uống ly chanh rum nồng cay, Thúy ăn bánh ga-tô, uống nước ngọt. Rồi trời sẩm, hai người dạo trên biển bằng xe đạp mini…


* * *


Đến ga Sóng Thần, đơn vị Thắng lên xe thẳng tới Tây Ninh trong đêm, phía biên giới đã có tiếng súng. Đã nghe bao tiếng súng của ngày hôm trước với quân Mỹ Ngụy  nhưng nghe tiếng súng của bọn Polpot hôm nay Thắng thấy trào nước mắt vì đây là tiếng súng phản trắc… Đáng lẽ ít ngày nữa Thắng sẽ nghe tiếng pháo Tết ở thị xã biển Nha Trang, vậy mà giờ lại nghe tiếng súng ly biệt này. Thắng mở gói quà của Thúy gửi anh ở cổng ga Nha Trang lúc chia tay:  Chiếc áo dài màu xanh kèm lá thư nhỏ: “Em tặng “chú” để làm quà cho “cô” lúc chú lấy vợ!”. Thắng ngước nhìn ra vòm cây, phía rừng cao su đang đổ lá vàng ứa nước mắt: biển Nha Trang xanh thẳm mà xa vời vợi, bóng cô gái nhỏ đứng bên hàng dừa tóc xõa bay!


* * *


Sau này, khi Thắng trở lại Nha Trang tìm tới tiệm may Thanh Tuyền thì ngôi nhà ấy đã thay đổi, hỏi ra mới biết Thúy đã vào Sài Gòn rồi nghe đâu đi xuất cảnh. Thắng đi mãi theo con đường giờ mang tên Thống Nhất, ra chợ Đầm đi ra biển… Ngôi nhà Pháp cổ nơi anh đóng chốt xưa cũng bị phá bỏ làm nhà khách công an. Biển của một thời xa vắng đã không còn dù một bờ tigôn bé nhỏ.

                                                                                                                                          
. Truyện ngắn của Lê Đức Dương