09:03, 28/03/2017

Kỷ vật

Chú là con thứ tám trong nhà nên người trong làng thường gọi là Tám Thìn, vì chú sinh vào năm con rồng nên cha mẹ đã lấy tên năm để đặt tên con. Riêng bọn nhỏ chúng tôi thuộc thế hệ con cháu, chỉ dám gọi là chú Tám.

Chú là con thứ tám trong nhà nên người trong làng thường gọi là Tám Thìn, vì chú sinh vào năm con rồng nên cha mẹ đã lấy tên năm để đặt tên con. Riêng bọn nhỏ chúng tôi thuộc thế hệ con cháu, chỉ dám gọi là chú Tám.


Chúng tôi cùng sống với nhau trong một xóm. Năm 1975, ngày đất nước thống nhất, tôi mới mười lăm tuổi, và quê tôi ngày ấy là một vùng đất bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề. Vì vậy, khi miền Nam được giải phóng, bà con đã lần lượt trở về, và ai nấy đều phải tập trung phá đất hoang để cấy lúa, trồng rau, cắt tranh, đốn tre để dựng nhà cửa.


Còn nhớ, một buổi chiều, tôi cùng chị đang vật lộn với đám cỏ tranh bên triền đồi để chuẩn bị trồng mấy hàng khoai thì có một người đàn ông gầy gò, lụng thụng trong bộ quần áo bộ đội cùng chiếc mũ cối trên đầu và chiếc ba lô sau lưng đi ngang qua con đường nhỏ phía trước mặt. Đến gần chỗ chúng tôi, ông dừng lại hỏi chuyện. Vừa nói được mấy câu, ông đã ôm lấy tôi mừng rỡ:


- Trời ơi! Con anh Ba Đích đây mà! Cha mấy con hy sinh lâu rồi phải không? Hồi ba con hy sinh, chú có nghe tin…


Chúng tôi ngạc nhiên, nhưng trò qua chuyện lại một lát mới biết, người đứng trước mặt mình là chú Tám Thìn, chồng của thím Thanh, nhà ở đầu xóm. Chúng tôi không biết mặt chú, vì chú thoát ly lên rừng theo cách mạng trước khi chị tôi mới lên hai, còn tôi thì một năm sau đó mới ra đời. Khi chúng tôi lớn lên, chỉ nghe người lớn kể, trước đây, chú Tám là bạn của ba tôi. Khi chú thoát ly được mấy năm thì quê tôi đồng khởi, cha tôi và một số trai tráng cùng tuổi đã vào du kích, rồi trong những năm sau đó rất nhiều người đã nằm xuống.


Tin chú Tám còn sống trở về, chỉ mấy tiếng đồng hồ đã lan khắp xóm. Bà con xúm lại mừng rỡ. Ngôi nhà nhỏ của thím Thanh ở đầu xóm tối hôm ấy đã trở nên rộn ràng với bao nhiêu câu chuyện, nào ở chiến trường, nào ở quê nhà.


Khi trở về, tuy chưa đến 40 nhưng trông chú Tám già đi nhiều so với tuổi. Vì trước khi kết thúc chiến tranh bốn năm, chú Tám bị thương rất nặng. May nhờ đồng đội cứu sống và đưa ra miền Bắc chạy chữa tiếp nên qua khỏi. Những năm sau chiến tranh là những năm đầy khó khăn. Tuy là thương binh, nhưng ngoài làm ruộng, làm vườn, chú còn tham gia công tác ở văn phòng UBND xã; đã vậy, trong làng, trong xóm, hễ nhà ai có việc cần, chú Tám cũng đều tận tâm giúp đỡ. Bọn nhỏ chúng tôi đứa nào làm sai việc gì đều được chú kêu tới khuyên bảo. Chú đã từng có mấy năm ra Bắc, được đi học bổ túc văn hóa và được đi đây đi đó nhiều nơi nên chú rất quý việc học hành. Dạo ấy, tôi đang theo học cấp ba, trường nằm tận dưới thị trấn. Nhiều buổi chiều, khi đi học về, gặp nhau trên đường, hoặc khi tôi tới nhà chơi, bao giờ chú cũng dặn dò phải lo học, chỉ có học nhiều, có tri thức nhiều mới giúp được gia đình, xã hội.


Nói chung, chú Tám luôn là tấm gương để tôi yêu quý, nể trọng. Nhưng thật đáng tiếc, sau đó có một việc không hay đã xảy ra. Năm tôi học lớp mười hai, vào dịp thành lập Đoàn, trường tôi tổ chức đi cắm trại. Để có đồ mang nước theo uống trong mấy ngày, tôi nghĩ tới nghĩ lui không biết chọn vật gì. Chợt nhớ, trong những lần đến chơi nhà chú Tám, tôi thấy chú có một chiếc bình toong đựng nước của bộ đội rất đẹp treo trên vách. Đi trại, mang theo chiếc bình toong bên hông thì có gì oách cho bằng? Tôi nghĩ và đến ngay nhà chú Tám. Không có chú ở nhà. Có lẽ nghĩ chỉ đơn giản là chiếc bình toong, mượn vài ngày sẽ trả, nên khi tôi hỏi, thím Thanh đồng ý ngay. Nào ngờ, khi tôi vừa mang chiếc bình toong về nhà, vui mừng, khoe với mấy cô bạn gái cùng lớp thì bất ngờ chú Tám chạy tới. Khuôn mặt đỏ bừng đầy tức giận, chú Tám giật chiếc bình trên tay tôi và bảo:


- Con mượn cái này hả? Không được! Con có thể mượn cái gì khác nhưng cái này thì không được. Bây giờ chú phải vội đi, khi khác chú sẽ giải thích!


Nói xong, chú Tám chụp lấy chiếc bình toong tôi đang để trên bàn, đi ngay. Tôi chẳng hiểu việc gì, mặt nghệch ra vì cách xử sự của chú trước bạn bè tôi, nhất là mấy đứa bạn gái. Từ đó tôi giận chú Tám. Một cái bình toong đựng nước có gì ghê gớm đâu mà chú phải xử sự như vậy? Tôi nghĩ chú là người keo kiệt. Mỗi lần thấy chú từ xa, tôi liền tránh mặt. Tôi cũng chẳng đến nhà chú chơi nữa.


Học hết cấp ba, tôi thi vào đại học rồi ra trường được phân công về công tác ở một tỉnh Tây Nguyên. Câu chuyện liên quan tới chiếc bình toong theo thời gian đã mờ dần, nhưng mỗi khi có dịp về quê tôi vẫn cố tình tránh chú Tám.


Phải đến gần chục năm sau, một lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi bảo:


- Chú Tám Thìn mới qua đời được tuần nay! Con về, tranh thủ lên thắp hương cho chú ấy!


- Vì sao chú ấy mất hả mẹ? Bệnh gì vậy mẹ?


- Ngày xưa, chú bị thương ở phổi! Hình như vết thương tái phát, nhưng nặng quá, đưa về bệnh viện tỉnh vẫn không chạy chữa được.


Tôi đến nhà chú Tám và đốt hương, đứng trước bàn thờ chú. Thật kinh ngạc, chiếc bình toong ngày nào để trên bàn thờ làm tôi lạnh cả người. Tại sao lại đặt vật này ở đây? -  Tôi tò mò hỏi thím Thanh.


- À! Có lẽ con không biết! Chú quý cái bình này lắm! Ngày xưa, hồi còn ở trong bộ đội, khi đi công tác, gặp địch phục kích, chú bị thương nặng. Nhờ có một anh bạn thân tên Tuấn cùng đơn vị cõng chú chạy thoát. Nhưng khi đến một ngọn đồi, thấy chú khát nước, anh bạn ấy liền cầm chiếc bình toong này đi lấy. Ai ngờ, khi anh bạn cầm được bình nước đến chỗ chú thì gục xuống… Sau này khi chú được cứu sống, mới hay bạn mình đã bị địch bắn mà vẫn cố mang bình nước để bò về…


Thì ra… Tôi không giấu được xúc động, ngồi thừ ra bên thím Thanh trên chiếc giường tre kê gần đó. Dường như thím Thanh không hiểu tôi đang nghĩ gì nên nói tiếp:


- Chú quý cái bình này lắm con à, ngày nào cũng săm se nó! Chú bảo với thím, đây là kỷ vật của người nằm xuống để lại. Mấy năm nay, chú muốn kiếm ít tiền, dành dụm để một ngày nào đó tìm về đơn vị cũ. Nhưng khi chưa thực hiện được điều mong muốn thì chú đã qua đời…



. Truyện ngắn của Mai Hương