09:08, 03/08/2018

Ý nghĩa bộ tem "Bắn rơi 2.000 máy bay Mỹ" và sự kiện ngày 5-8 trên mẫu tem

Một trong những bộ tem đặc biệt về "Bắn rơi máy bay Mỹ" được nhiều người sưu tập (kể cả người nước ngoài) và yêu thích là bộ tem "Bắn rơi 2.000 máy bay Mỹ", bởi có nhiều điều thú vị về bộ tem này.

Một trong những bộ tem đặc biệt về “Bắn rơi máy bay Mỹ” được nhiều người sưu tập (kể cả người nước ngoài) và yêu thích là bộ tem “Bắn rơi 2.000 máy bay Mỹ”, bởi có nhiều điều thú vị về bộ tem này.

 


Bộ tem “Bắn rơi 2.000 máy bay Mỹ”, phát hành ngày 5-6-1967 do họa sĩ Trần Lương thiết kế gồm 2 mẫu 6x (màu hồng gạch) và 12x (xanh ve nhạt), cùng hình ảnh: Giải giặc lái. Cô du kích đang dẫn độ viên phi công Mỹ. Mọi người yêu thích bộ tem này, có lẽ vì hình ảnh trên tem gắn liền với bài thơ nổi tiếng “O du kích nhỏ” của nhà thơ Tố Hữu và đặc biệt hơn nữa trên mẫu tem có dòng chữ màu đỏ “Từ 5-8-1964 đến 5-6-1967” với ý nghĩa: Ngày “5-8-1964” là ngày đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ ở miền Bắc, ngày “5-6-1967” là ngày bắn rơi máy bay Mỹ chiếc thứ 2.000 ở Thanh Hóa. Hình ảnh trên tem, được họa sĩ Trần Lương thiết kế theo bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Phan Thoan chụp ngày 21-9-1965 trong bối cảnh đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ở miền Bắc. Năm 1966, bức ảnh được trưng bày trong Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc với tên gọi “Giải giặc lái Mỹ”. Bức ảnh lập tức nổi tiếng và gây được tiếng vang lớn không những ở trong nước mà ở cả quốc tế. Lúc bấy giờ, bức ảnh là nguồn động viên rất lớn cho quân và dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ vào những năm thập kỷ 60.


Việc sưu tập tem, có được nhiều tem là quý nhưng đó không phải là điều cốt yếu, mà làm sao hiểu được ý nghĩa những mẫu tem mình đang sở hữu mới là quan trọng, nó thể hiện trình độ của người sưu tập và rất cần cho việc trưng bày thi tem.    


Ngụy Như Ánh