12:06, 28/06/2018

Tiếp tục hướng đến các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa gia đình

Trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam năm nay trên địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết

Trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam năm nay trên địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) cho biết:

 


- Ngày Gia đình Việt Nam năm nay tiếp tục có chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Đây là năm thứ 3 chủ đề này được dùng lại để kêu gọi mỗi người dân trân trọng bữa cơm gia đình.


Trong dịp này, ngành VH-TT sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông như: tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thường xuyên tổ chức bữa cơm gia đình, đặc biệt trong ngày 28-6. Các huyện, thị xã, thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức các hoạt động như: phát động tổ chức “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” vào đúng ngày Gia đình Việt Nam; tuyên truyền lưu động; tổ chức gặp mặt, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu; tổ chức giao lưu, tọa đàm và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác gia đình ở địa phương...


- Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm nay có chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống BLGĐ”. Ông có thể cho biết công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay và vai trò của gia đình trong công tác này?


- Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 126/137 mô hình phòng, chống BLGĐ, trong đó có 1.011 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 1.059 nhóm phòng, chống BLGĐ; 2.232 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 380 cơ sở tư vấn, 222 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 126 vụ BLGĐ, giảm 9 vụ so với năm 2016. Thông qua các mô hình phòng, chống BLGĐ đã kịp thời can thiệp và xử lý 126 vụ. Biện pháp xử lý đối với người gây bạo lực chủ yếu là góp ý trong cộng đồng dân cư (102 vụ), tạm xử phạt hành chính 9 vụ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 5 vụ, xử lý hình sự 2 vụ. Số nạn nhân bị BLGĐ được tư vấn về pháp lý là 95/126 người; được tư vấn về sức khỏe 59/126 người; được hỗ trợ, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ 55/126 người. Số người gây BLGĐ được phát hiện, tư vấn tại các cơ sở tư vấn về BLGĐ là 91/126 người.


Gia đình có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống BLGĐ. Bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng có thể có hành vi BLGĐ: con mắng cha, vợ chì chiết chồng, mẹ chồng ruồng rẫy con dâu, anh em tranh chấp tài sản dẫn đến đánh nhau...; đồng thời, chính họ cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của BLGĐ. Cùng chung sống dưới một mái nhà, các thành viên trong gia đình là người chịu tác động trực tiếp của hành vi, có khả năng phát hiện nhanh chóng cũng như tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến, mức độ của hành vi bạo lực. Vì vậy, họ cũng chính là người có khả năng thành công trong việc giáo dục, thuyết phục người có hành vi bạo lực thay đổi hành vi, bởi hai bên có sự hiểu biết nhau, có mối quan hệ thân thiết với nhau.


- Thời gian tới, công tác xây dựng nếp sống văn hóa gia đình tập trung vào những hoạt động gì, thưa ông?


- Ngành VH-TT sẽ tập trung triển khai một số hoạt động trọng tâm sau: củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp; tổng kết rút kinh nghiệm 10 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ; triển khai thực hiện Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá thực hiện “Kế hoạch hành động phòng, chống BLGĐ đến năm 2020”; tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11), Tháng hành động vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới năm 2018...


- Xin cảm ơn ông!


Minh Thiết (Thực hiện)