11:06, 19/06/2018

Loay hoay tìm nghệ sĩ trẻ

Hiện nay, các đoàn nghệ thuật như: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Trung tâm Văn hóa tỉnh đang gặp phải những khó khăn do thiếu nghệ sĩ, diễn viên trẻ, nhất là những nghệ sĩ, diễn viên trẻ có tài năng.

Hiện nay, các đoàn nghệ thuật như: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Trung tâm Văn hóa tỉnh đang gặp phải những khó khăn do thiếu nghệ sĩ, diễn viên trẻ, nhất là những nghệ sĩ, diễn viên trẻ có tài năng.


Theo dõi vở dân ca kịch Phù vân vừa được Nhà hát NTTT tỉnh diễn báo cáo, người xem không khỏi chạnh lòng trước sự chênh, phô vì độ tuổi của diễn viên so với tuổi nhân vật. NSƯT Ái Ly năm nay cũng đã gần 50 tuổi nhưng phải đảm nhận vai Hoàng hậu Chiêu Thánh chỉ ở độ mười chín tuổi. Người xem tinh ý sẽ nhận thấy sự gượng gạo trong biểu hiện cảm xúc trên gương mặt, hay trong các động tác diễn thể hiện sự trẻ trung của nhân vật. Đó là chưa kể có phân đoạn nhân vật còn hồi tưởng về thời trẻ thơ thì càng thấy rõ độ vênh tuổi tác.

 

Nghệ sĩ Ưu tú Ái Ly (bìa phải) trong vai Hoàng hậu Chiêu Thánh.

Nghệ sĩ Ưu tú Ái Ly (bìa phải) trong vai Hoàng hậu Chiêu Thánh.


Lý giải cho điều này, NSƯT Trần Nhật Lệ - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho rằng, những năm qua, việc tuyển diễn viên trẻ của nhà hát gặp nhiều khó khăn. Trong số hơn 40 nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát có khoảng 50% là diễn viên dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của những diễn viên này chưa thể đảm nhận được những vai diễn có sự đòi hỏi cao về chuyên môn, nhất là những vở diễn lịch sử. Chính vì thế, việc dựng vở vẫn phải trông chờ vào các diễn viên lớn tuổi đảm nhiệm những vai chính. Theo quy định, các diễn viên mới tuyển phải có đầy đủ bằng cấp. Dù vậy, trình độ của diễn viên mới ra trường, thậm chí đã vào đoàn trong khoảng 5 năm vẫn còn hạn chế. Để có thể đảm nhận vai chính trong những vở diễn khó, diễn viên cần phải rèn luyện lâu năm. Đến lúc đó thì độ tuổi của họ cũng đã lớn.


Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tác giả kịch bản vở Phù vân thừa nhận, độ tuổi của diễn viên lớn hơn rất nhiều so với tuổi nhân vật thực sự đã có những ảnh hưởng tới vở diễn. Tuy nhiên, thực tế diễn viên trẻ của nhà hát chưa nắm được đầy đủ các làn điệu, cũng như chưa thể hiểu được yếu tố lịch sử trong vở diễn. Khi dựng vở, đạo diễn thường đưa lên bàn cân giữa yếu tố diễn viên trẻ không nắm được kịch bản với diễn viên lớn tuổi nắm được kịch bản và sẽ chọn diễn viên lớn tuổi để đảm nhận vai diễn. Sau đó có thể tính chuyện truyền vai cho diễn viên trẻ.


Vừa qua, ca sĩ Thế Quang cũng đã nói lời chia tay Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng sau nhiều năm gắn bó. Ở độ tuổi 40, ca sĩ có giọng ca đẹp này đã tự cảm thấy mình không thể tìm được chỗ đứng trong đoàn. “Độ tuổi của ca sĩ, diễn viên trong đoàn đã khá cao. Diễn viên múa lớn tuổi không được dẻo dai để có thể thực hiện những động tác khó. Ca sĩ lớn tuổi thì phần thanh sắc cũng dần đi xuống. Nhưng việc có thể tuyển được ca sĩ, diễn viên trẻ là điều không dễ”, ông Trần Đức Hà - Phó phụ trách Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết. Mới đây, đoàn tuyển diễn viên múa, sau khi lựa chọn thì có 4 bộ hồ sơ được đưa ra để xem xét, nhưng trong đó cũng chỉ chọn được 1 người có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn của đoàn để thử việc. Một thực tế khiến cho đoàn khó có thể tuyển được những nghệ sĩ trẻ có tài năng chính là mức thu nhập thiếu hấp dẫn.


Ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ, đội tuyên truyền lưu động của trung tâm hàng năm thực hiện dàn dựng rất nhiều chương trình, kịch mục để phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Tuy nhiên, đội đang thiếu nhân sự, nhất là nhân sự trẻ tuổi. Vậy nhưng, việc tuyển nhân sự có thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của đội thực sự đang rất khó khăn. Điều này cũng phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng của các buổi tuyên truyền lưu động.  


Theo NSƯT Hoàng Minh Tâm - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, những nghệ sĩ trẻ thường đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, nhưng kỹ năng biểu diễn còn rất hạn chế. Những người trẻ có tài năng về múa, hát lại thường có xu hướng tìm những nơi có thể phát triển sự nghiệp hoặc có thu nhập tốt. Bởi tuổi nghề của mỗi người cũng có hạn. Để khỏa lấp khoảng cách đó, các đoàn nghệ thuật truyền thống thường chọn cách truyền vai cho lớp trẻ theo kiểu nghề dạy nghề. Với các đoàn nghệ thuật hiện đại lại chọn phương án tuyển cộng tác viên.


Câu chuyện về việc tuyển chọn nghệ sĩ trẻ đang khiến cho các đoàn nghệ thuật gặp những khó khăn nhất định. Để giải quyết được bài toán này rất cần một phương án đồng bộ.


Giang Đình