11:05, 06/05/2018

Khai hội Tháp Bà

Từ ngày 5 đến 8-5 (tức từ ngày 20 đến 23-3 Âm lịch) diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar 2018. Lễ hội năm nay thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân, khách hành hương, du khách đến dự.

Từ ngày 5 đến 8-5 (tức từ ngày 20 đến 23-3 Âm lịch) diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar 2018. Lễ hội năm nay thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân, khách hành hương, du khách đến dự.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân đánh trống khai hội.

Ông Nguyễn Tấn Tuân đánh trống khai hội.


Sáng 6-5, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và người dân, du khách thập phương đã dự khai mạc lễ hội Tháp Bà Ponagar. Ông Nguyễn Tấn Tuân đã đánh những hồi trống khai hội và dẫn đầu đoàn lãnh đạo tỉnh vào dâng hương, dâng hoa Đức Thánh Mẫu.

 

Các đoàn hành hương về dự lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Các đoàn hành hương về dự lễ hội Tháp Bà Ponagar.


Lễ hội Tháp Bà Ponagar là dịp để mỗi người cùng thành tâm hướng về đức Mẫu, về đấng sinh thành dưỡng dục. Ở khu vực sân Tháp Bà Ponagar, có rất đông gia đình người Chăm từ Ninh Thuận bày biện lễ vật để dâng hương lễ Mẫu. Người Chăm đến với lễ hội thường đi theo từng nhóm gia đình nhỏ, sinh sống trong một làng. Lễ vật của người Chăm chính là những sản vật do bàn tay họ trồng trọt, chăn nuôi, gói trọn trong đó những tình cảm chân thành và thiêng liêng nhất. “Người Chăm quan niệm về Mẫu rất gần gũi đối với cuộc sống dân làng, lễ vật dâng Mẫu vì thế cũng không cầu kỳ, chủ yếu là lòng thành”, ông Lưu Nào (dân tộc Chăm) - huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết. Không chỉ dâng cúng lên Mẫu, người Chăm còn mang các loại nhạc cụ như: trống ghinăng, kèn saranai để đánh, để thổi làm cho không khí lễ hội thêm sôi động.  

 

Một gia đình người Chăm thực hiện lễ cúng Mẫu tại lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Một gia đình người Chăm thực hiện lễ cúng Mẫu tại lễ hội Tháp Bà Ponagar.

 

Theo thông tin từ ban tổ chức, năm nay dự kiến có hơn 100.000 lượt người dân và khách thập phương về hành lễ. Trong đó, có hơn 100 đoàn khách hành hương đến từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Cũng tương tự đồng bào Chăm, người Kinh về với lễ hội Tháp Bà Ponagar với tấm lòng thành kính. “Năm nay đã 72 tuổi, nhưng tôi vẫn cố gắng để về lễ Mẫu. Về bên Mẫu để tâm trí mình thấy được bình an và mong Mẹ độ trì cho sức khỏe”, bà Phan Thị Lan - quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho biết. Bên cạnh nghi lễ dâng hương, dâng hoa, dâng lễ vật, một hoạt động không thể thiếu của các đoàn hành hương là phần hát văn, múa bóng ca ngợi công đức của Mẹ. Những ngày diễn ra lễ hội, không gian khu di tích Tháp Bà Ponagar luôn rộn ràng tiếng hát, tiếng đàn của các đoàn hành hương biểu diễn. “Cứ chuẩn bị đến lễ hội Tháp Bà Ponagar, các thành viên trong đoàn chúng tôi lại háo hức tập luyện các lời hát, điệu múa sao cho hay, cho đẹp để về dâng Mẫu”, bà Nguyễn Thị Duyên - thành viên đoàn Hồng Hoa Quan Âm Điện Thiện Phước (Nha Trang) cho biết.


Một điểm rất đáng ghi nhận trong lễ hội năm nay là công tác tổ chức bài bản, chu đáo hơn. Do đó, dù lễ hội diễn ra trong một thời gian ngắn, không gian hạn chế, lượng người đông, nhưng các khâu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, chỗ ăn, chỗ nghỉ cho khách, sắp xếp cho người dân và khách hành hương vào lễ Mẫu… được đảm bảo tốt nhất. “Lễ hội Tháp Bà Ponagar là lễ hội truyền thống lớn nhất ở Khánh Hòa và luôn thu hút được sự tham gia của rất đông người dân, du khách gần xa. Qua mỗi năm tổ chức, chúng tôi đều rút ra những mặt hạn chế để khắc phục vào các kỳ lễ hội sau. Các hoạt động của lễ hội vừa đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh thờ Mẫu của người dân, vừa thể hiện được tình đoàn kết giữa các dân tộc”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.


Giang Đình