06:05, 05/05/2018

Góp vui với hội Bài chòi

Tối 5-5, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP. Quy Nhơn, Bình Định) diễn ra lễ đón nhận bằng UNESCO công nhận nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với 8 tỉnh, thành khác trong khu vực, những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên bài chòi Khánh Hòa cũng góp vui cho ngày hội.

Tối 5-5, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP. Quy Nhơn, Bình Định) diễn ra lễ đón nhận bằng UNESCO công nhận nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với 8 tỉnh, thành khác trong khu vực, những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên bài chòi Khánh Hòa cũng góp vui cho ngày hội.


Lễ đón nhận bằng UNESCO do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Bình Định chủ trì thực hiện. Các tỉnh, thành trong khu vực có nghệ thuật bài chòi gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình phối hợp thực hiện. Chương trình sẽ có các nội dung vinh danh nghệ thuật bài chòi, vinh danh các nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu và ghi nhận nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản bài chòi. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật trong buổi lễ được xây dựng với quy mô hoành tráng theo hình thức sân khấu dân gian với sự tham gia của hơn 400 diễn viên, nghệ nhân tiêu biểu ở 9 tỉnh, thành trong khu vực. Nội dung chương trình bám sát và khai thác những giá trị cốt lõi của nghệ thuật bài chòi qua các giai đoạn của lịch sử, văn hóa của vùng đất Trung bộ Việt Nam. Thông qua đó, giới thiệu lịch sử, văn hóa mảnh đất, con người các tỉnh Trung bộ - nơi sản sinh ra nghệ thuật bài chòi…

 

Biểu diễn nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa.

Biểu diễn nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, nghệ thuật bài chòi vẫn tồn tại trong đời sống người dân Khánh Hòa. Mỗi dịp Tết đến, người dân ở các miền quê Khánh Hòa vẫn hô bài chòi. Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi, tỉnh cũng đã giao cho các đơn vị chuyên môn thực hiện việc dàn dựng các tiết mục, vở diễn mang đậm màu sắc nghệ thuật, làn điệu dân ca bài chòi để biểu diễn phục vụ nhân dân. Để giới thiệu cho du khách biết về nét độc đáo của trò chơi bài chòi, tỉnh cũng thực hiện việc cấp kinh phí để mời các nghệ nhân tham gia hội bài chòi dân gian ở khu vực công viên bờ biển của TP. Nha Trang. Chính vì vậy, đến với ngày hội, các nghệ nhân, nghệ sĩ Khánh Hòa mang những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật bài chòi trong niềm vui chung của người dân khu vực Trung bộ.


Nghệ nhân Ưu tú Trần Rí bày tỏ: “Tôi đã sống cùng nghệ thuật bài chòi từ hơn 60 năm nay, qua biết bao thăng trầm, nghệ thuật bài chòi, trò chơi bài chòi dân gian vẫn được tồn tại. Đến hôm nay, loại hình nghệ thuật dân gian này đã nhận được ghi nhận không chỉ ở trong nước mà cả thế giới. Điều này khiến những người như tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.


Đến với ngày hội vinh danh nghệ thuật bài chòi, đoàn Khánh Hòa có 50 nghệ sĩ và 10 nghệ nhân tiêu biểu, cùng với 40 diễn viên múa. Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ thể hiện tổ khúc dân ca với tên gọi Khúc hát tình quê. Theo nghệ sĩ Trần Kim Chín - tác giả kịch bản, tổ khúc dân ca bài chòi sẽ tập trung nói đến cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật dân gian bài chòi, những đóng góp của bài chòi trong các thời kỳ phát triển của vùng đất Khánh Hòa như: hội bài chòi ở các vùng quê vào mỗi dịp Tết đến xuân về; trong chiến tranh, bài chòi vẫn có mặt ở chiến trường phục vụ bộ đội; và hôm nay, bài chòi vẫn phát triển để phục vụ nhân dân, du khách. Tổ khúc này cũng thể hiện được nét riêng của bài chòi Khánh Hòa, đó là bài chòi sân khấu. Các diễn viên múa của Trung tâm Văn hóa tỉnh trong thời gian qua cũng tích cực luyện tập cho các tiết mục biểu diễn của mình. Họ đã có mặt ở TP. Quy Nhơn từ trước mấy ngày để ráp chương trình được hoàn thiện. Tất cả cùng hướng tới những màn trình diễn ấn tượng, đẹp mắt cho đêm diễn.


GIANG ĐÌNH