05:03, 22/03/2018

Phim truyền hình Việt: Nỗ lực thu hẹp ranh giới vùng miền

Phim truyền hình phía Bắc khó tiếp cận với khán giả phía Nam và ngược lại vốn đã là thực tế tồn tại hàng chục năm nay. Tuy nhiên, nếu không chịu tìm tòi để chinh phục khán giả, ranh giới đó sẽ mãi mãi không được thu hẹp.
 

Phim truyền hình phía Bắc khó tiếp cận với khán giả phía Nam và ngược lại vốn đã là thực tế tồn tại hàng chục năm nay. Tuy nhiên, nếu không chịu tìm tòi để chinh phục khán giả, ranh giới đó sẽ mãi mãi không được thu hẹp.
 
Những khác biệt 
 
Không phải đến thời điểm này, khái niệm vùng miền trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình mới được các đơn vị sản xuất đề cập đến. Do những đặc trưng về văn hóa, lối sống, con người... nên phim truyền hình ở vùng miền nào thường có xu hướng hướng đến đối tượng khán giả ở khu vực đó.

 

Nếu còn có ngày mai - bộ phim của ê kíp phía nam đang lên sóng trên Rubic 8 (VTV3).
Nếu còn có ngày mai - bộ phim của ê kíp phía nam đang lên sóng trên Rubic 8 (VTV3).
 
Thậm chí, ngay cả các phim truyền hình gây sốt và tạo hiệu ứng xã hội cũng cho thấy mức độ chênh lệch rõ rệt về lượng theo dõi (rating) ở từng khu vực. Có thể kể đến trường hợp của Người phán xử, thống kê của Vietnam TAM cho thấy, rating trung bình sau 47 tập phát sóng tại Hà Nội là 14,28%, trong khi tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,94%. Mức cao nhất một tập phát sóng tại TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạt 1,79%. Một bộ phim sitcom cũng gây chú ý thời gian qua, được phát sóng trên HTV7 Gia đình là số 1, rating tại Hà Nội chỉ đạt 0,03%, trong khi ở TP. Hồ Chí Minh là 1,40%. Điều đó cho thấy một thực tế, khán giả ở khu vực nào thường có thói quen xem các kênh truyền hình khu vực đó.
 
Ngay cả với VTV, dù có kênh riêng cho khán giả phía nam là VTV9, nhưng khán giả vẫn ưu tiên lựa chọn xem HTV hay các đài truyền hình địa phương như Vĩnh Long. Trong khi đó, khán giả phía Bắc vẫn trung thành với VTV, đặc biệt là các phim truyền hình chất lượng trên sóng giờ vàng. 
 
Yếu tố vùng miền trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình cũng cho thấy sự phân hóa và khác biệt khá mạnh mẽ về phạm vi, phạm trù đề tài. Giờ vàng phim Việt trên VTV tạo dựng được thương hiệu nhờ các phim thiên về chính luận, phản ánh các vấn đề thời sự, đời sống xã hội như series Cảnh sát hình sự, Gió làng Kình, Chủ tịch tỉnh, Chạy án hay Tình khúc bạch dương, Cả một đời ân oán... đang phát sóng. Những bộ phim tạo tiếng vang thời gian qua như Sống chung với mẹ chồng hay Người phán xử cũng thuộc mảng đề tài này. Trong khi đó, phim truyền hình phía nam thường đi vào những vấn đề gần gũi của cuộc sống, khắc họa số phận nhân vật, thiên về tính giải trí. Nói như thế không có nghĩa là phim truyền hình ở mỗi vùng miền bị bó buộc trong phạm trù đề tài đó. Những phim như: Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời, Zippo mù tạt và em... của VTV hay Những đứa con biệt động Sài Gòn, Những khúc sông dậy sóng... của các nhà làm phim phía nam là các lát cắt thể hiện sự đa dạng về mặt đề tài.
 
Chất lượng là số một
 
Ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC cho biết: “Những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh tính hấp dẫn cũng như nhu cầu khán giả ngày càng cao. Rất nhiều bộ phim cả ở phía nam và phía bắc đã có sự giao thoa, hòa trộn. Điều đó cho thấy chúng ta không còn phân biệt yếu tố vùng miền và chỉ còn quan trọng chất lượng, tính hấp dẫn để khán giả chấp nhận”.
Thực tế cho thấy, từ khi xu hướng xã hội hóa phim truyền hình bùng nổ, đã có rất nhiều nhà sản xuất cố gắng, nỗ lực chinh phục khán giả bằng những tác phẩm chất lượng mà không còn đặt nặng tính vùng miền. Có thể kể đến hàng loạt phim truyền hình phía nam đã được lựa chọn trình chiếu trên giờ vàng của VTV như: Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc, Vừa đi vừa khóc... hay gần đây là: Bước chân hoàn vũ, Đánh tráo số phận, Mộng phù hoa, Vực thẳm vô hình...  
 
Việc nỗ lực xóa bỏ ranh giới vùng miền đã được phía VFC và VTV chú trọng từ rất lâu. Khi Người phán xử gây nên cơn sốt, ê kíp sản xuất quyết định lồng tiếng Nam với mục đích tăng hiệu suất người xem, tăng doanh thu quảng cáo dù việc làm này gây nên những tranh cãi.
 
Một phương cách khác đó là sự kết hợp của dàn diễn viên hai miền trong các dự án nhằm tạo sự tươi mới. Có thể kể đến trường hợp của hàng loạt diễn viên miền Nam xuất hiện trong các phim miền Bắc như: NSƯT Mỹ Uyên, Chi Bảo, Hà Việt Dũng, Hồng Kim Hạnh... Tương tự, nhiều diễn viên miền Bắc như Hoàng Hải, Linh Sơn, Bảo Thanh, Anh Dũng, Mạnh Trường... cũng không ít lần Nam tiến. 
 
VĂN TUẤN (SGGP)