04:01, 17/01/2018

Những "giọng vàng" một thời của nền kịch Việt

Với nghệ sĩ kịch nói, giọng nói cực kỳ quý giá, bởi khác hẳn với chèo, cải lương, tuồng, dân ca có làn điệu, lời ca hay vũ đạo là chính nên lời nói chỉ là phụ. Chính từ đặc thù này, nền kịch nói Việt Nam xuất hiện nhiều giọng nói vàng tạo nên nét quyến rũ với công chúng.

Với nghệ sĩ kịch nói, giọng nói cực kỳ quý giá, bởi khác hẳn với chèo, cải lương, tuồng, dân ca có làn điệu, lời ca hay vũ đạo là chính nên lời nói chỉ là phụ. Chính từ đặc thù này, nền kịch nói Việt Nam xuất hiện nhiều giọng nói vàng tạo nên nét quyến rũ với công chúng.


NSND - đạo diễn Đặng Tất Bình là một trong số đó. Trước khi sang điện ảnh, anh là nghệ sĩ kịch nói của Đoàn CAND, sau đó sang Nhà hát Tuổi trẻ. Có lẽ trên sân khấu, nghệ sĩ Tất Bình ít có vai diễn nổi trội nhưng anh có giọng ấm, trầm và nhuyễn. Đây là điều cực khó và hiếm. Chính vì thế, suốt thập niên 80, Tất Bình là giọng kịch nói đẳng cấp trên đài phát thanh cùng với Trọng Phan, Phạm Bằng... diễn hàng trăm vở làm say đắm thính giả của thời radio.

 

NSND Tất Bình trong phim Thị xã trong tầm tay.

NSND Tất Bình trong phim Thị xã trong tầm tay.


Thêm một giọng kịch rất đẹp cùng Nhà hát Tuổi trẻ với Tất Bình là NSƯT Đức Trung. Đây thực sự là gương mặt đạt đủ “thanh và sắc”, giọng ấm áp, dịu dàng thể hiện những đài từ rất nhân hậu, còn vóc dáng thì Đức Trung đẹp từ trẻ tới khi về già. Hao hao như Đức Trung có nghệ sĩ Trần Nhượng - Giám đốc Nhà hát kịch CAND được phong NSND. Trần Nhượng cũng là nghệ sĩ hào hoa hiếm có, chuyên đóng vai sang trọng, quyền quý và đương nhiên có giọng nói rất riêng. Nhiều khán giả xem Trần Nhượng nói trên sân khấu hay ti vi đều bị hút hồn từ ánh mắt, cử chỉ ngữ điệu của anh. Trần Nhượng là nghệ sĩ lớn của ngành Công an cho tới bây giờ.


Cùng kịch nói có NSƯT Đỗ Kỷ của Nhà hát kịch Việt Nam. Đỗ Kỷ không hào hoa như NSND Thế Anh, càng không gồ ghề như “Vua Lia” NSND Trọng Khôi, nhưng giọng nói thì không thua ai, có chăng chỉ NSƯT Trung Anh mới sánh được. Trung Anh cũng là giọng kịch vàng của Nhà hát kịch Việt Nam hiện nay. Đỗ Kỷ sau chuyển sang làm quản lý thì Trung Anh vẫn trụ lại với sàn gỗ kịch nói và đang là giọng lồng tiếng vàng của phim truyền hình hiện nay, rất sang trọng, chỉ nghe cũng đã biết ngay.

 

NSƯT Lê Chức.

NSƯT Lê Chức.


Có một giọng nói gọi là “siêu vàng” đó là NSƯT Lê Chức. Ông là đạo diễn, Giám đốc Nhà hát cải lương Trung ương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu. Nhiều người biết ông là bởi ông nổi tiếng trong việc đọc thuyết minh phim tài liệu, lễ mít tinh tầm quốc gia… với chất giọng vang rền, ấm áp hiếm có. Lê Chức đúng là “vua” về mảng thuyết minh. Người nghe đài thập niên 80 vẫn nhớ tới ông qua nhiều vở kịch rất hay.
Cũng thuyết minh kiểu rẽ ngang có nhạc sĩ Trần Đức - vốn là cha đẻ của chuyên mục thiếu nhi nổi tiếng trên truyền hình VTV “Những bông hoa nhỏ”. Khả năng đọc thuyết minh của Trần Đức có thể sánh ngang với những phát thanh viên huyền thoại của VOV. Chúng ta vẫn nhớ Trần Đức qua những phim tài liệu nổi tiếng như: “Hồ Chí Minh - chân dung một con người”, “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai”…, và có lẽ sau NSƯT Trần Đức thì không còn ai để nhắc nữa khi hình thức chuyển từ nghe sang nhìn thành xu thế tất yếu.


Thời gian trôi qua, nhiều điều kỳ diệu cũng đã chuyển hóa, trong đó có âm sắc giọng nói của người nghệ sĩ kịch, công chúng bị nhiều thể loại lấn át, đặc biệt là thế giới hình ảnh. Nay nhắc lại để thấy có một thời nền kịch chúng ta có những giọng nói vàng rất quý giá đã từng cống hiến, chắt lọc cho công chúng.


Lê Đức Dương