10:01, 09/01/2018

Nhạc sĩ của những khúc từ bi ca

Sinh năm 1948 tại làng Lộc Thọ, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), Lâm Diệu Ngọc lớn lên trong một gia đình có truyền thống sùng đạo Phật. 

Sinh năm 1948 tại làng Lộc Thọ, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), Lâm Diệu Ngọc lớn lên trong một gia đình có truyền thống sùng đạo Phật. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, với năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc, anh chọn cho mình một hướng đi riêng. Năm 1968, anh thi vào Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh), theo học nhạc cụ dây (bộ dây) như: guitare, violon, bass, mandolin… Năm 1970, thấy phong trào ca nhạc sinh động, anh và vài người bạn thành lập nhóm nhạc, chơi cho các show tại các quán cà phê nhỏ ở Sài Gòn.

 


Sau tháng 4-1975, anh về sống tại Nha Trang và được Giám đốc công ty đường sắt lúc bấy giờ mời thành lập Đội Văn nghệ đường sắt Nha Trang tại số 2, đường Yersin. Một năm hoạt động, đội đi lưu diễn từ ga Bình Định đến ga Bình Thuận. Nhưng rồi nỗi nhớ quê, nhớ nhà, anh về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Tại đây, anh cùng với các Phật tử mộ đạo, thiện tâm tổ chức chương trình và sáng tác nhạc phục vụ cho các chùa trong huyện vào những ngày trọng đại. Ngoài những sáng tác như: Núi Linh Thứu, Mùa hội hiếu, Chiều thu, Nghĩ về mẹ…, anh còn phổ thơ của các văn nghệ sĩ khác: Bông hồng trắng (Thạch Lựu), Mưa tháng Giêng (Cù Huy Tử - Sư Thanh), Khánh Hòa quê ta (Thanh Trí)…


Hiện nay, nhạc sĩ Lâm Diệu Ngọc là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật huyện Vạn Ninh, phụ trách âm nhạc; đồng thời là ủy viên phụ trách văn nghệ gia đình Phật tử Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2016 - 2020. Đến nay, số lượng ca khúc anh đã sáng tác và phổ thơ có đến hơn 100 bài, bao gồm những bài phổ thơ viết về quê hương và nhiều sáng tác do các chùa yêu cầu để phục vụ vào các ngày lễ lớn trong năm, hoặc ca ngợi lịch sử khai cơ của một ngôi chùa… Anh sử dụng được nhiều nhạc cụ: organ, guitare, mandolin, harmonia... Ngoài làm giám khảo các chương trình hội thi Phật nhạc tại địa phương, anh còn được mời làm giám khảo các cuộc thi mang tầm quốc gia: Hội thi vẽ tranh kể chuyện tiếng hát oanh lam vào năm 2016, hội tụ 25 tỉnh, thành tham gia tại TP. Hồ Chí Minh; hội thi tiếng hát Ca lăng Tần già tổ chức tại Giác Hải Đường (Nha Trang) vào tháng 11-2017, gồm những thí sinh Phật tử đã trúng tuyển qua vòng một tại các tỉnh, thành trên cả nước...


Võ Khoa Châu