11:01, 22/01/2018

Cần phát huy giá trị di tích khảo cổ Hòa Diêm

Tính đến nay, trên địa bàn TP. Cam Ranh có 75 di tích và danh lam thắng cảnh, trong đó 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 1 di tích cấp quốc gia. Trong số đó, nổi bật là di tích khảo cổ Hòa Diêm.

Tính đến nay, trên địa bàn TP. Cam Ranh có 75 di tích và danh lam thắng cảnh, trong đó 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 1 di tích cấp quốc gia. Trong số đó, nổi bật là di tích khảo cổ Hòa Diêm. Di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2014. Đây là di tích khảo cổ đầu tiên và duy nhất hiện nay được xếp hạng di tích cấp quốc gia ở Khánh Hòa.

 

Di tích khảo cổ Hòa Diêm thuộc thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông, cách trung tâm TP. Cam Ranh khoảng 5km về phía nam. Di chỉ được phát hiện vào tháng 2-1998, do đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đi khảo sát các di tích thuộc văn hóa Chămpa ở 3 tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Những năm sau đó (1999, 2002, 2007, 2010, 2011), Bảo tàng tỉnh thường xuyên phối hợp với Bảo tàng Quốc gia, Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Waseda - Nhật Bản tiến hành thám sát, khai quật, nghiên cứu di chỉ.

 

Di vật tìm thấy ở Di tích khảo cổ Hòa Diêm  (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa).

Di vật tìm thấy ở Di tích khảo cổ Hòa Diêm (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa).

 

Theo các nhà khảo cổ, di tích khảo cổ Hòa Diêm có niên đại nằm trong khoảng từ thế kỷ V - IV trước Công nguyên đến thế kỷ I - II sau Công nguyên, đặc biệt có giá trị về mặt khoa học, thẩm mỹ, chứa đựng những nét đặc trưng về khu cư trú của cư dân thời tiền - sơ sử, cũng như hình thức mộ táng của những cư dân sinh sống ở đây. Di tích còn thể hiện rõ không gian văn hóa Cồn Bàu rất đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ. Những hiện vật khai quật được ở di chỉ như: vỏ nhuyễn thể, mộ chum, đồ gốm tùy táng, đồ sắt tùy táng, các hạt chuỗi thủy tinh, đá, lục lạc đồng, vòng đồng, bếp lửa, mảnh gốm, xương động vật, vỏ sò, công cụ lao động… đã phần nào hé mở những thông tin về cuộc sống của cư dân cổ Hòa Diêm, cũng như nghi thức mai táng của họ. Ngoài ra, di tích Hòa Diêm còn có những mối quan hệ rộng hơn, là sợi dây lịch sử liên kết với các di chỉ khác trong tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á.


Những năm qua, TP. Cam Ranh đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh làm tốt công tác khoanh vùng, bảo vệ phục vụ công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa giá trị của di tích mang tầm quốc gia, có giá trị đặc biệt như Di chỉ khảo cổ Hòa Diêm, thời gian tới rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, các nhà chuyên môn và nhân dân. Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân địa phương trong việc tự giác bảo vệ di tích; xây dựng các biển chỉ dẫn, hoàn thiện đường giao thông, xây dựng khu tường rào bảo vệ khu di tích; kết hợp với các trường trung học trên địa bàn thành phố biên soạn nội dung các chuyên đề giảng dạy nội khóa và ngoại khóa trong các nhà trường. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, di vật khảo cổ trên các phương tiện truyền thông; xây dựng phòng trưng bày hiện vật khảo cổ tại Bảo tàng Cam Ranh; hướng đến xây dựng khu di tích thành điểm tham quan, nghiên cứu, học tập hấp dẫn về văn hóa tiền - sơ sử ở Khánh Hòa, góp phần vào phát triển du lịch, kinh tế của Cam Ranh.


Viết Quân