11:09, 19/09/2017

Văn học viết về chiến tranh: Những góc nhìn mới

Thời gian gần đây, nhiều hồi ký, hồi ức chiến tranh của những người lính được xuất bản đã gây được tiếng vang lớn. Những tác phẩm - tư liệu này đã góp phần đưa dòng văn học chiến tranh bước sang một trang mới. 

Thời gian gần đây, nhiều hồi ký, hồi ức chiến tranh của những người lính được xuất bản đã gây được tiếng vang lớn. Những tác phẩm - tư liệu này đã góp phần đưa dòng văn học chiến tranh bước sang một trang mới.  


Văn học Việt Nam đã từng có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh như: Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc)… Điểm chung của những tác phẩm viết về chiến tranh trước năm 1975 đã miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần anh dũng của những người lính trên chiến trường. Những năm cuối thế kỷ XX, thế hệ những nhà văn trưởng thành sau kháng chiến chống Mỹ đã có nhiều đổi mới trong cách viết, cách nhìn về chiến tranh, tiêu biểu là: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Tàn đen đốm đỏ (Phạm Ngọc Tiến). Độ lùi thời gian sau chiến tranh và nền văn hóa hậu chiến đặt ra cho tác phẩm của họ những câu hỏi khác với văn học viết về chiến tranh trong chiến tranh. Chiến tranh không chỉ có anh hùng mà còn đau thương, mất mát, còn là vết sẹo tâm hồn không dễ gì lành lại.

 

Những năm gần đây, các tác phẩm về chiến tranh gần như được mùa. Bên cạnh tiểu thuyết của những nhà văn chuyên nghiệp như: Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Đối chiến (Khuất Quang Thụy), các hồi ký, tự truyện của những người lính liên tiếp được xuất bản, trong đó gây tiếng vang là: Hồi ức lính (Vũ Công Chiến), Quảng Trị 1972 (Nguyễn Quang Vinh), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn). Những tác phẩm không màu mè, ngồn ngộn sự thật ấy đã góp phần không nhỏ trong việc nhìn nhận lại khuôn mặt của chiến tranh. Trong Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, các nhân vật cứ ào ào cuốn đi trong những cuộc tác chiến, lập chốt giữ chốt, trinh sát, tiềm nhập, diệt thám báo, đoạt chiến lợi phẩm... Bên cạnh những trận đánh đẹp, phối hợp đẹp bởi tình đồng đội cao cả, còn có những thất bại cay đắng, sự bất như ý giữa đồng đội với nhau. Trong cuộc chiến ấy có đầy sự dũng cảm cao thượng, nhưng cũng có cả sự yếu đuối, những sai lầm…


Cùng thời gian, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh (từng là lính của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị và Mặt trận Cửa Việt) phơi bày chiến tranh khắc nghiệt. Quảng Trị năm 1972 là đất của bom pháo và chết chóc. Tiểu đoàn 3 của anh đã hai lần bị xóa sổ trong vòng 3 tháng. Ở đó, cái sống và cái chết tranh chấp nhau từng giây một. Ác liệt đến thế nên đã có những cán bộ, chiến sĩ đã thoái lui. Nhưng trên tất cả, Quảng Trị 1972 là bản anh hùng ca của tuổi trẻ, từ bộ đội chủ lực đến giao liên, du kích. Những trận chiến người lính “mặc cho máu đang ròng chảy trên mặt một người và máu thấm đẫm vạt sườn người kia, hai anh vẫn bắn không ngừng, bắn mãi...”, những lần diệt xe tăng bằng DKZ82 mà không kịp lắp giá súng… Sự thật cuộc chiến đấu Quảng Trị năm 1972 hào hùng và tiêu biểu đến nỗi, không cần tới hư cấu cũng lay động sâu xa tới người đọc.

 

Quảng Trị 1972 - một trong những tác phẩm được đánh giá cao trong dòng văn học viết về chiến tranh thời gian gần đây

Quảng Trị 1972 - một trong những tác phẩm được đánh giá cao trong dòng văn học viết về chiến tranh thời gian gần đây

 

Cũng đậm đặc hiện thực, Mùa chinh chiến ấy là tập hồi ức về tuổi trẻ bi tráng của những người lính tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia. Ở đó, những người lính ngã xuống không chỉ vì súng đạn lúc giao tranh, mà còn có nhiều cái chết vì mìn, vì sốt rét, lạc rừng, hổ vồ, rắn cắn... trong những cánh rừng hoang dã…


Đời sống hôm nay, những tác phẩm như: Hồi ức lính, Mùa chinh chiến ấy, Quảng Trị 1972… ngày càng chứng tỏ được vai trò của nó. Tuy nhiên, những tác phẩm dạng này gần như vẫn chỉ là tiền văn học, mang tính tư liệu nhiều hơn.


Còn nhớ, khi đề cập đến vấn đề này, nhà văn Cao Duy Thảo - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa có nói rằng, các nhà văn Việt Nam vẫn đang mang “món nợ văn chương” với lịch sử nước nhà. Lý giải về món nợ này, ông nói rằng thế hệ của ông không thiếu tài năng, nhưng với tư cách là người lính cầm bút, các nhà văn không cho phép mình đứng trên cuộc chiến, đứng ngoài cuộc chiến nên tầm nhìn của họ phần nào bị hạn chế; phần khác nữa là khi đó, họ không có điều kiện để viết những tác phẩm dài hơi. Ông hy vọng lớp nhà văn trẻ sẽ tiếp bước, có những tác phẩm lớn về đề tài này. Nhiều nhà phê bình cho rằng, những tác phẩm nhật ký, hồi ức của những người từng đi qua chiến tranh, trực tiếp cầm súng trên chiến trường như: Mãi mãi tuổi hai mươi, Hồi ức lính, Mùa chinh chiến ấy, Quảng Trị 1972… sẽ là nguồn tư liệu cho những cây bút trẻ quan tâm đến đề tài chiến tranh.


 XUÂN THÀNH