11:09, 22/09/2017

"Thế hệ gối ôm" và những trang viết về cuộc sống gia đình

Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền vừa ra mắt bạn đọc tác phẩm mới với tên gọi "Thế hệ gối ôm" (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 3-2017), với 41 tạp bút được tác giả sáng tác trong vài năm gần đây.

Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền vừa ra mắt bạn đọc tác phẩm mới với tên gọi “Thế hệ gối ôm” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 3-2017), với 41 tạp bút được tác giả sáng tác trong vài năm gần đây. Tuy lấy tên một tạp bút để đặt tên cho cả cuốn sách, nhưng đọc “Thế hệ gối ôm”, người đọc dễ dàng nhận ra một nội dung chung, xuyên suốt - đó là sự suy ngẫm của những người phụ nữ đứng tuổi về gia đình, về cuộc đời, về những điều đã, đang diễn ra quanh mình.

 

Cùng với những hoài niệm, những ký ức sống động về khoảng trời đầy hạnh phúc gắn liền với nhiều kỷ niệm mà tác giả đã từng trải qua cùng ông - bà - mẹ - cha, anh - chị - em… trong ngôi nhà đầm ấm một thời của mình (như ở các tạp bút: “Bay đi và trở về”, “Hạnh phúc tìm về”, “Bữa cơm ngày tết”, “Cơm mẹ nấu”, “Những căn nhà cũ”…, hầu hết tạp bút còn lại đều đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống đời thường, được tác giả mang ra mổ xẻ, phân tích nhằm giải quyết những khúc mắc, tìm một hướng đi phù hợp với cuộc sống. Có khi đó là những cảm xúc trước những vấn đề liên quan trong vai trò làm con, làm dâu, làm vợ, làm mẹ… như trong các tạp bút: “Chiều chở mẹ đi chơi”, “Con rể, mẹ vợ”, “Duyên và phận”, “Chữ nhẫn ở đâu”, “Chơi với con đi”, “Thế hệ gối ôm”… Có khi là những trăn trở muôn thuở về cuộc đời của con người như trong “Ai rồi cũng sẽ già”, “Quên tuổi mình đi”, “Chạy ăn”, “Những ngăn kéo cuộc đời”, “Cô đơn”, “Già phải thủ”… Có khi đó là những suy tư trước sự thay đổi của cuộc sống hiện đại đòi hỏi người phụ nữ phải tìm hiểu để hoàn thiện mình như trong “Bây giờ thứ gì cũng tiện”, “Thử tập làm mới”, “Công nghệ nhanh quá”, “Văn minh từ bếp”, “Thắng lợi”…

 

 

Tuy đề tài không mới, nội dung ở từng tác phẩm cũng chỉ là những mảnh nhỏ chứa đầy suy tư, nhưng dưới ngòi bút của Đào Thị Thanh Tuyền, tất cả đều tạo được ấn tượng đối với người đọc. Trên từng trang sách, ta nhận ra những niềm vui, nỗi buồn thông qua bao câu chuyện tưởng chừng rất giản đơn. Nhưng cũng từ đó, cùng với những nhận xét, lời bình của tác giả, ta không thể không suy ngẫm, không tự soi rọi mình, để cuối cùng yêu thương nhau hơn.


 Là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn nên yếu tố “truyện” được Đào Thị Thanh Tuyền khai thác và đưa vào tạp bút rất nhiều. Có lúc chị lấy một hoặc vài mẩu chuyện nào đó mà mình đã trải qua, hoặc của ai đó chung quanh rồi quy lại, nhào nặn, chuyển tất cả thành một khối để phục vụ chủ đề của tạp bút kèm theo lời bình nhằm thể hiện quan điểm của mình. Đặc biệt, tính luận đề thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm. Thậm chí, ở một số tạp bút, khi đọc xong, ta có cảm giác như đó là một lời khuyên của một chuyên gia về một vấn đề trong cách ứng xử nhưng được thể hiện bằng nghệ thuật văn chương. Có lẽ đây cũng là đặc trưng đáng chú ý trong cuốn sách mới của Đào Thị Thanh Tuyền.


Viết về cuộc sống đời thường trong gia đình bằng tạp bút là điều không dễ. Thông qua thể loại này để gửi gắm các luận đề lại càng khó. Nhưng Đào Thị Thanh Tuyền đã làm được trong cuốn sách của mình. Ngoài cảm quan nhạy bén trong khai thác, chọn đề tài; ngoài việc xây dựng cấu tứ chặt chẽ, có lẽ cách kể chuyện dí dỏm cộng với ngôn ngữ đầy cảm xúc bàng bạc trên từng trang viết là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn trong cuốn “Thế hệ gối ôm”.


HOÀNG ANH