11:08, 22/08/2017

Tiếng xe ngựa ở Inle

Đường vào thị trấn Naunghwe, bắt đầu từ trạm mua vé đã thấy nên thơ. Đường nhỏ nhưng một bên có dòng kênh và hàng cây chạy dài thật đẹp. Thị trấn là nơi du khách nghỉ lại hay đi thẳng đến hồ Inle, một hồ nước ngọt nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển, thuộc bang Shan, Myanmar.

Đường vào thị trấn Naunghwe, bắt đầu từ trạm mua vé đã thấy nên thơ. Đường nhỏ nhưng một bên có dòng kênh và hàng cây chạy dài thật đẹp. Thị trấn là nơi du khách nghỉ lại hay đi thẳng đến hồ Inle, một hồ nước ngọt nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển, thuộc bang Shan, Myanmar.


Naunghwe cách Yangon khoảng 600km, nhưng hôm ấy, chúng tôi đi từ Bagan nên chỉ hơn 300km. Tuy vậy cũng mất 8 giờ! Hai bên đường hầu như chỉ thấy một màu xanh ngút mắt, đồng xanh, núi xanh, trời xanh. Đường lên cao nguyên nhiều khúc quanh cùi chỏ, đẹp ngoạn mục. Xe đi lại nhường nhau, dù đèo cao, đường hẹp, nhiều đoạn đang làm nhưng thấy an toàn. Ngang qua vài thị trấn với những vùng trồng rau, hoa hồng, vừa cảm giác giống vùng ven ở Đà Lạt, lại vừa như Sa Pa hay một thị trấn miền núi nào đó của Việt Nam.

 

Ấn tượng đầu tiên là Naunghwe nhỏ, xưa cũ, thanh bình và êm đềm. Đường láng nhựa hay rải đá nhưng không có vỉa hè nên nhiều bụi. Những ngôi nhà nhỏ, kiểu xưa, những dãy phố với các quán ăn cũ kỹ, thậm chí tuềnh toàng, bàn ghế gỗ thô sơ và sự hiện diện của những chiếc ti vi đèn hình càng tăng thêm vẻ buồn buồn, hiền lành, chất phác. Một vài khách sạn, nhà hàng mới xây dường như không đánh thức được cái tĩnh lặng, hiền hòa cho nó xô bồ, nhộn nhịp hơn một chút.


Tiếng xe ngựa lộc cộc trong buổi sáng sớm hay chiều muộn bỗng khiến khách bâng khuâng. Uống ly rượu nho trong buổi chiều muộn mà nghe như văng vẳng lại bài nhạc jazz. Mang những cảm xúc ấy vào giấc ngủ say bởi một ngày ngồi xe lấy lại sức để sáng mai xuống bến tàu đi hồ Inle trong chương trình đã đặt sẵn.


Đường sông từ phố ra đến hồ khoảng 10 phút, hai bên là nhà và sinh hoạt, mua bán trên sông, không khác mấy bức tranh miền tây của Việt Nam. Vừa đến “ngã ba” hồ - sông đã thấy hồ mênh mông bát ngát trước mắt. Do là vùng cao nguyên, hôm ấy, chúng tôi đi trời không nắng nên cảm giác mát mẻ, rất dễ chịu. Với diện tích hồ hơn 200km2, được bao quanh bởi núi, người dân sinh sống trên hồ là dân tộc thiểu số Inthar. Chiếc xuồng lần lượt đưa chúng tôi qua các làng, nhà cửa, chùa, các khu resort, quán ăn… Đặc biệt, một khu vực trồng trọt được ví như cánh đồng nổi trên nước, chủ yếu là cà chua. Nườm nượp những chiếc xuồng chở đầy ắp cà chua từ hồ ra phố hay những chiếc xuồng với những cần xé trống từ phố vào hồ cho thấy điều này.


Nơi đây dường như hiếm có sự hiện diện của xi măng hay bê tông mà chỉ toàn gỗ. Nhìn hàng trụ điện bằng gỗ ngang dọc chạy dài, trông rất hay, khó thấy ở nơi nào khác. Thêm nữa, cách bắt cá của họ cũng đặc biệt, chỉ bằng một chân, đứng ở đầu mũi xuồng vừa chèo, vừa thả lưới.

 

 

Hồ Inle sâu 2 - 4m, nổi tiếng với hình ảnh những người  đánh cá và chèo thuyền bằng một chân

Hồ Inle sâu 2 - 4m, nổi tiếng với hình ảnh những người đánh cá và chèo thuyền bằng một chân

 

Một điểm tham quan khá thú vị là dệt lụa từ ngó sen. “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” là đây. Bao nhiêu sợi tơ ngắn trong một cái ngó sen mới làm nên một tấm lụa? Ôi, quả là kỳ công. Đó là chưa kể việc lấy ngó sen phải ngâm mình trong nước bùn và cho tay sâu xuống gốc mới lấy lên được. Thành ra, nếu sản phẩm có giá cao cũng là điều dễ hiểu!


Những người phụ nữ “cổ dài” trong trang phục truyền thống đang ngồi dệt khăn choàng sẵn sàng nở nụ cười thật tươi nếu khách muốn chụp hình kỷ niệm. Chuyện kể rằng, các cô gái của bộ tộc Kayan Lahwi bắt đầu đeo vòng cổ từ khi lên 7 tuổi. Cùng với số tuổi và sự phát triển cơ thể, số vòng cổ tăng dần. Có thể là một chiếc vòng đồng với hơn 20 vòng nặng trịch, ngày đêm không bao giờ được tháo ra. Quả rất đáng cho khách trầm trồ về một nét văn hóa dân tộc của người bản xứ!


Chiều về, vì còn nhiều thời gian trước khi ra xe đêm đi một thành phố khác, một vài người dạo chợ. Do đi cả ngày nên chúng tôi trả phòng từ sớm. Chủ khách sạn rất biết chiều khách, cho chúng tôi một phòng nghỉ tạm. Tôi tranh thủ sạc pin điện thoại, ngả lưng xuống giường và nghe tiếng xe ngựa vọng lại như sát bên cạnh mình, đưa quá khứ về gần lắm. Ở một nơi xa xôi, bỗng nhớ thời áo đầm, chân sáo, có một ngày Tết lần đầu tiên được đi xe ngựa từ Thành xuống Nha Trang, đến cầu Hà Ra con ngựa cứ nhảy chồm lên khiến ai nấy phải bám chặt lấy thành xe, hay bất cứ cái gì có thể nắm chắc. Ông đánh xe ngựa mãi mới điều khiển được con ngựa trở chứng bất ngờ. Ám ảnh từ nhỏ cho đến… già!


Bảy rưỡi tối giờ Việt Nam mà trời vẫn còn sáng. Cái cảm giác gần gũi ở một thị trấn mới tới lần đầu còn bởi bắt gặp những hộp bánh Nabati của Việt Nam trong cửa hàng tạp hóa, siêu thị nhỏ.


Những dãy phố, cửa hàng nhỏ, nhà thấp, đèn đường không đủ sáng đã khiến tôi một lần nữa đưa ký ức lùi lại nhiều năm trước. Suy nghĩ xa gần, con người ta khó có thể chọn lựa một thời thiếu thốn nhưng bình yên hay hiện tại đầy đủ hơn mà lại nhiều bất ổn? Phát triển nào cũng trả giá. Vùng hồ Inle mà tôi đã đi qua trong ngày được gìn giữ vừa là để bảo tồn cũng là một dạng phát triển du lịch. Thế giới biết đến một nơi hoang sơ, thân thiện với môi trường và cuộc sống còn rất thấp. Khách đến rồi đi, có những cái nhìn thú vị, ngỡ ngàng và cả ái ngại.


Những thanh niên đứng bên trong một quầy hàng làm công việc nêm trầu, đóng gói cho khách đến mua. Họ làm nhanh và thuần thục kiểu công nghiệp. Thấy tôi đưa máy hình lên, các em ấy còn giơ hai ngón tay thành hình chữ V. Không biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới còn giữ tục ăn trầu này? Lại toàn thanh niên trẻ?


Tạm biệt nơi này để đến một nơi khác, cảm xúc sẽ qua nhanh nhưng chắc chắc khi về nhà, lần giở lại loạt hình đã chụp, không chỉ là hình ảnh mà còn là quá khứ gần và xa. Đi để trở về, với người trẻ thấy mình lớn lên, với người nhiều trải nghiệm, kỷ niệm sẽ dày thêm. Cuộc sống không ngừng lại để chờ ai. Bởi vậy, đôi khi gặp lại một khoảnh khắc xưa khiến bồi hồi như những phút giây hiếm có và quý báu nghe tiếng xe ngựa sáng sớm và chiều muộn ở Inle.


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN