10:05, 10/05/2018

Hệ thống y tế ở Trường Sa: Ngày càng phát triển

Cùng với sự chung tay của đất liền, hệ thống y tế tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa ngày càng được đầu tư xây dựng, nâng cấp hiện đại. Điều này đã góp phần đảm bảo sức khỏe cho quân, dân và ngư dân đang sinh sống và làm việc tại Trường Sa.

Cùng với sự chung tay của đất liền, hệ thống y tế tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa ngày càng được đầu tư xây dựng, nâng cấp hiện đại. Điều này đã góp phần đảm bảo sức khỏe cho quân, dân và ngư dân đang sinh sống và làm việc tại Trường Sa.


Cứu chữa nhiều ngư dân


Giữa tháng 4, khi đang đánh bắt cá giữa biển khơi, ngư dân Lê Quốc Phong (tỉnh Quảng Ngãi) bị tai nạn gãy chân được tàu đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Tại đây, anh Phong được các y, bác sĩ băng bó, chữa trị kịp thời. Nhờ vậy, bệnh tình của anh ngày càng tiến triển tốt. Anh Phong cho biết: “Tôi bị dây tàu quật vào người, gãy chân. Khi được chuyển vào đây, các bác sĩ điều trị rất chu đáo, tận tâm. Vài hôm nữa có tàu ra, tôi sẽ được chuyển về đất liền để mổ xếp lại xương. Có những cơ sở y tế trên các đảo như thế này, ngư dân chúng tôi rất yên tâm bám biển”.

 

Bác sĩ Trung tâm Thị trấn Trường Sa khám cho bệnh nhân Lê Quốc Phong.

Bác sĩ Trung tâm Thị trấn Trường Sa khám cho bệnh nhân Lê Quốc Phong.


Trong tháng 4, cơ sở y tế đảo Thuyền Chài đã cứu sống kịp thời ngư dân Trịnh Văn Hồng (quê Phú Yên) bị ngộ độc cá hồng. Bệnh nhân vào đảo trong tình trạng bí tiểu nặng, run chân tay, nôn nhiều. Sau khi tiếp nhận, bác sĩ trên đảo tiến hành sơ cứu, thông tiểu, sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục. Do phải theo tàu đi đánh bắt, không thể nằm lại điều trị, bệnh nhân được bác sĩ ở đảo cấp thuốc và hướng dẫn cách tự chăm sóc.


Cuối năm 2017, Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Cần (huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đi trên tàu cá PY 96789TS. Khi đang câu cá ngừ, anh Cần đã bị vật cứng trên tàu đập dập 2 ngón bàn chân trái. Kíp quân y bệnh xá đã phẫu thuật cắt 2 ngón chân, dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân Cần ổn định và được chuyển về đất liền để điều trị tiếp.


Đây là 3 trong hàng trăm ngư dân được cơ sở y tế ở các đảo của huyện đảo Trường Sa cấp cứu thành công trong thời gian gần đây.


Được đầu tư nhiều trang thiết bị


Cùng với sự chung tay góp sức của đất liền, hệ thống trung tâm, bệnh xá ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc ngày càng được đầu tư khang trang, đầy đủ hơn. Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được xây  mới và đưa vào hoạt động gần một năm với đầy đủ trang thiết bị như: máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, máy gây mê kèm thở, hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa. Bên cạnh đó, trong năm 2016, bệnh xá ở đảo Song Tử Tây, Nam Yết cũng được xây mới và đầu tư trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt hơn, các trung tâm, bệnh xá ở Trường Sa hiện nay đều đã áp dụng hệ thống chẩn đoán trực tuyến, giúp truyền hình ảnh bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm, lâm sàng về đất liền để hội chẩn phương pháp điều trị thích hợp cho các bệnh nhân, đặc biệt là các ca nặng.


Bác sĩ Bùi Trần Khoa - Bệnh xá đảo Trường Sa Đông, huyện đảo Trường Sa chia sẻ: “Trong năm qua, đảo Trường Sa Đông cấp cứu gần 30 trường hợp, trong đó tiến hành điều trị khẩn cấp 3 trường hợp bị viêm ruột thừa cấp, 1 trường hợp hội chứng giảm áp, 1 trường hợp bí tiểu và khám bệnh cho 340 người. Ở đây, ngoài điều trị nội khoa, chúng tôi thực hiện các ca trung phẫu. Đối với những ca khó chúng tôi trao đổi qua hệ thống chẩn đoán trực tuyến hoặc chuyển bệnh nhân về đất liền để được điều trị tiếp”.


Theo bác sĩ Trịnh Văn Tuấn - đảo Thuyền Chài,   bình quân mỗi tháng, cơ sở y tế của đảo điều trị cho khoảng 15 - 20 người, phần lớn là ngư dân. Các bệnh  ngư dân thường mắc là: viêm da, dạ dày, đau lưng, bong gân, ngộ độc cá...


Bên cạnh hệ thống cơ sở y tế ở các đảo nổi, đảo chìm, năm 2013, Tàu 561 - tàu bệnh viện hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam được đưa vào hoạt động. Tàu được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như bệnh viện thu nhỏ. Bác sĩ Thái Đàm Lương - phụ trách y tế trên tàu 561 cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đi từ 5 - 8 chuyến, phần lớn khám và điều trị cho ngư dân. Đối với những trường hợp khó, chúng tôi kết nối với các bệnh viện trong bờ qua hệ thống chẩn đoán từ xa để có sự hỗ trợ về chuyên môn. Nhờ thế, kết quả điều trị khá tốt, nhiều trường hợp chúng tôi cứu chữa ổn định ban đầu, sau đó đưa vào các bệnh xá trên đảo hoặc chuyển về đất liền”.


Để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho quân dân trên các vùng hải đảo, tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện đề án y tế biển đảo (giai đoạn 2017 - 2020). Trong đó, tập trung hỗ trợ, tăng cường cơ số thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, đưa lực lượng y, bác sĩ luân phiên ra công tác tại các đảo.


 Cát Đan