08:02, 24/02/2018

Nữ tướng 9 năm gắn bó với cờ người

Trong hội thi cờ người đầu xuân Mậu Tuất, nhiều du khách đến xem hội cờ khá thích thú khi trên bàn cờ có nhiều nữ giới. Trong đó, nổi bật là vị nữ tướng quân cờ xanh có khuôn mặt nghiêm nghị, vóc người to cao trên tay cầm thanh đại đao trông rất dũng mãnh. Chị là võ sư Trần Thị Mỹ Hạnh - một người vốn đam mê võ cổ truyền và có 9 năm gắn bó với hội thi cờ người.

Trong hội thi cờ người đầu xuân Mậu Tuất, nhiều du khách đến xem hội cờ khá thích thú khi trên bàn cờ có nhiều nữ giới. Trong đó, nổi bật là vị nữ tướng quân cờ xanh có khuôn mặt nghiêm nghị, vóc người to cao trên tay cầm thanh đại đao trông rất dũng mãnh. Chị là võ sư Trần Thị Mỹ Hạnh - một người vốn đam mê võ cổ truyền và có 9 năm gắn bó với hội thi cờ người.


Xuất thân vốn không phải là con nhà võ, phải đến năm 25 tuổi chị Trần Thị Mỹ Hạnh mới tiếp cận với môn võ cổ truyền. Để rồi từ đó những tinh hoa, vẻ đẹp của môn võ truyền thống dân tộc như một sức hút khiến chị Mỹ Hạnh ban đầu từ đam mê tập luyện sau dấn thân theo đuổi, biến niềm đam mê ấy thành cái nghiệp cho đến tận bây giờ và chính thức được Hội Võ cổ truyền Việt Nam phong danh hiệu võ sư.

 

Võ sư Trần Thị Mỹ Hạnh (giữa)  trên bàn cờ người hội thi xuân Mậu Tuất 2018.

Võ sư Trần Thị Mỹ Hạnh (giữa) trên bàn cờ người hội thi xuân Mậu Tuất 2018.


Thật ra, người thầy đầu tiên võ sư Mỹ Hạnh theo học môn võ cổ truyền không phải ai xa lạ mà là võ sư Đoàn Đức Phước, Chưởng môn phái Bích Quang môn Nhà Thiếu nhi - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cờ người tỉnh, cũng là chồng của chị. Kể về câu chuyện trở thành nữ tướng hội thi cờ người, võ sư Mỹ Hạnh chia sẻ: “Âu cũng là cái duyên. Đầu tiên tôi tham gia quân cờ cho vui, gắn bó lâu dần nó trở thành đam mê và cứ mỗi năm ở tỉnh có lễ hội lớn như festival biển hay vào các dịp Tết, tôi lại được sắm vai nữ tướng”.


Theo võ sư Đoàn Đức Phước, môn cờ người này có lịch sử phát triển khá lâu đời ở miền Bắc nhưng các quân cờ chỉ cầm bảng đi mà không có biểu diễn võ thuật; tuy nhiên, đến năm 1987, hai võ sư Lê Văn Vân (môn phái Bình Định Sa Long Cương) và Hồ Tường (môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà) ở TP. Hồ Chí Minh mới dàn dựng đưa phần biểu diễn võ thuật để nó trở nên sinh động hơn. Sau TP. Hồ Chí Minh rồi đến Huế và Khánh Hòa là đơn vị thứ 3 phát triển môn thể thao kết hợp nghệ thuật biểu diễn này. Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng cờ người Khánh Hòa được đánh giá là đẹp và có sức sống nhất. Trong đó, điểm nổi bật là đội quân cờ được thống lĩnh bởi 2 vị tướng 1 nam, 1 nữ thể hiện cho sự hài hòa âm, dương.


Câu lạc bộ cờ người Khánh Hòa có lịch sử hình thành và phát triển đến nay được 11 năm, riêng võ sư Mỹ Hạnh đã gắn bó 9 năm trong vai trò một nữ tướng. Đóng vai tướng trong hội cờ người vừa có cái dễ và cái khó. Dễ ở chỗ đối với những ván cờ mà một kỳ thủ có thế trận áp đảo, đưa ra những nước đi hay chiếu bí tướng thì các ván cờ ấy diễn ra rất chóng vánh, vị tướng nữ hầu như chỉ đứng yên một chỗ và rất ít di chuyển. Còn những ván cờ có sự giằng co giữa hai bên (hay còn gọi là cờ tàn) thì ván cờ diễn ra rất lâu tầm từ 1 đến 2 giờ và vị tướng nữ này phải hoạt động rất nhiều. “Có những ván cờ diễn ra trong thời tiết oi bức, đứng thời gian lâu và đôi lúc liên tục phải biểu diễn các bài quyền, nếu không có sức khỏe thì khó có thể đảm nhận nổi”, chị Mỹ Hạnh chia sẻ.


Trong bàn cờ người với 32 quân cờ, nhìn vóc dáng to cao, thần thái uy dũng của nữ tướng Mỹ Hạnh, ít ai có thể ngờ rằng năm nay chị đã 47 tuổi, gần bước sang ngũ tuần. “Mỗi năm, tuổi càng ngày càng lớn, tôi cũng muốn tìm một học trò nữ để thay thế nhưng chưa tìm thấy ứng cử viên nào sáng giá. Vì thế, chắc tôi phải làm thêm vài năm nữa”, võ sư Mỹ Hạnh cho hay.


Có thể nói, dù chỉ là vai nhỏ nằm trong hệ thống 32 quân cờ người nhưng những đóng góp của vị nữ tướng, võ sư Trần Thị Mỹ Hạnh cho sự phát triển môn cờ người tỉnh đáng được khích lệ.


Phúc Hiếu