10:10, 18/10/2017

Con số ảo!

FIFA vừa công bố bảng xếp hạng các đội tuyển bóng đá nam tháng 10 năm 2017.
 

FIFA vừa công bố bảng xếp hạng các đội tuyển bóng đá nam tháng 10 năm 2017.
 
Và đây là những cái tít được giật trên báo: Tăng 9 bậc, Việt Nam bỏ xa Thái Lan tới 17 bậc trên bảng xếp hạng; Bóng đá Việt nhảy vọt trên bảng xếp hạng FIFA tháng 10; Việt Nam bỏ xa Thái Lan…
 
Chẳng biết người ta định lượng hai từ “bỏ xa” ấy như thế nào? Bỏ xa liệu có khỏa lấp đi tâm lý e dè của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Thái Lan mỗi khi 2 đội gặp nhau? Có khỏa lấp kết quả thực tế được cụ thể hóa bằng con số thống kê cho thấy kể từ năm 2001 đến nay, đội tuyển Thái Lan đã vô địch SEA Games tới 7 lần, trong đó có 3 lần liên tiếp ở 3 kỳ SEA Games gần nhất (vào các năm 2013, 2015, 2017); trong khi bóng đá Việt Nam vẫn mãi loay hoay tìm cách chạm tới mục tiêu lần đầu tiên vô địch SEA Games. 
 
Đọc những cái tít mới thấy, hóa ra chúng ta vẫn luôn lấy bóng đá Thái để làm thước đo cho bóng đá Việt. Nhưng thực tế là bao năm qua, chúng ta cứ mãi chẳng thể tiệm cận tới thước đo ấy, cứ mãi đuổi theo những đôi chân cầu thủ Thái hết lần này tới lần khác, năm này qua năm khác, mới nhất chính là SEA Games 28 cách đây 2 tháng. Một đội bóng Thái Lan với đội hình không mấy nổi trội, thi đấu cũng không mấy nổi trội ở SEA Games nhưng cũng khiến cho một U22 Việt Nam với dàn hảo thủ được coi là giỏi nhất thời điểm hiện tại thua trắng tới 3 bàn. 
 
 
 
Chúng ta vẫn cứ vươn tới chỗ đứng của người Thái thời hiện tại, trong khi người Thái thì lại vươn tới tầm cao hơn. Họ mời rất nhiều đội bóng mạnh sang đá giao hữu để nâng tầm. Họ muốn hướng tới SEA Games 2019 bằng thành phần là lứa U20 thay vì U22 nhằm tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ lũy kinh nghiệm mà không đặt nặng vấn đề giành chương vàng hay bảo vệ thành công chức vô địch. Họ cũng khẳng định sẽ không cử đội tuyển quốc gia tham dự AFF Cup 2018, thay vào đó là đội tuyển U22 Thái Lan để tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ… 
 
Bóng đá Thái đã thay đổi tư duy trong cách tiếp cận để hướng tới đấu trường Đông Nam Á; họ tập trung cho công tác đào tạo trẻ, cho những mục tiêu lớn hơn như Asian Games sau khi đã “chán” các danh hiệu trong khu vực. Còn ta thì sao nhỉ? Cứ tự hào dựa vào cái gọi là bước nhảy vọt, dựa vào khoảng cách mười mấy thứ bậc trên bảng xếp hạng FIFA với bóng đá Thái vốn có thể thay đổi chỉ bằng 1 hay vài trận đấu quốc tế, mà trên thực tế là ta đã thua họ cả một nền bóng đá. 
 
Vậy nên, con số 17 bậc cách xa ấy cũng chỉ là một con số ảo. Bóng đá Việt Nam sao phát triển được nếu cứ nhìn vào những con số ảo, những giá trị phi thực tế như thế? Sao phát triển được khi những nhà làm bóng đá Việt không thoát ra khỏi cái nhìn thiển cận như bao năm qua.
 
B.T