05:08, 25/08/2017

Bóng đá vốn không phải là sàn diễn

U22 Việt Nam không qua được vòng loại môn bóng đá nam tại SEA Games 2017 sau trận thua đậm U22 Thái Lan 0-3, việc huấn luyện viên Hữu Thắng tuyên bố từ chức đơn giản chỉ là một hệ quả kéo theo. 

U22 Việt Nam không qua được vòng loại môn bóng đá nam tại SEA Games 2017 sau trận thua đậm U22 Thái Lan 0-3, việc huấn luyện viên Hữu Thắng tuyên bố từ chức đơn giản chỉ là một hệ quả kéo theo. Xét cho cùng, việc huấn luyện viên Hữu Thắng từ chức không phải là điều gì quá bất ngờ, bởi U22 Việt Nam dưới thời Hữu Thắng thi đấu mang tính chất “diễn” quá nhiều.
 
 
Thế nào gọi là mang tính chất “diễn”? Đó chính là việc quá chú trọng vào phần hình ảnh, sự đẹp mắt, tính hoa mỹ trong lối chơi, chứ không phải là hiệu quả, hiệu suất trong việc ghi bàn, chiến thắng đối thủ. Nói cách khác, đó chính là chơi bóng để thỏa mãn phần thị giác, tuyệt không phải dạng bất chấp tất cả để chiến thắng. Và có rất nhiều điều cho thấy, Hữu Thắng đã quá sa đà vào phần “diễn” này.
 
 
Đầu tiên, đó chính là cách lựa chọn lối chơi và đội hình. Huấn luyện viên Hữu Thắng đã lựa chọn lối chơi ban bận nhỏ, lấy các cầu thủ từ lò Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt, chứ không phải lối chơi sở trường giúp huấn luyện viên này thành danh tại câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An. Việc lựa chọn lối chơi và cầu thủ phù hợp vốn không có gì sai, bởi trên thực tế các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai là những lựa chọn tốt nhất cho lối chơi ban bật nhỏ. Nhưng việc lựa chọn những cái tên tham dự và thi đấu tại SEA Games 29 là có vấn đề.
 
 
Huấn luyện viên Hữu Thắng đã từ chức sau khi U22 Việt Nam bị loại từ vòng bảng môn bóng đá nam tại SEA Games 2017.
Huấn luyện viên Hữu Thắng đã từ chức sau khi U22 Việt Nam bị loại từ vòng bảng môn bóng đá nam tại SEA Games 2017.
 
 
Vốn đã xác định U22 Indonesia và Thái Lan là 2 đối thủ cạnh tranh chính cho 2 suất vào vòng trong, và cũng đã biết cả 2 đội bóng này đều có lối chơi mạnh mẽ, giàu thể lực, không ngại va chạm. Đó là chưa nói tới, trong bóng đá hiện đại, việc sở hữu những tiền vệ trung tâm có khả năng tranh chấp bóng, đánh chặn tốt luôn là ưu tiên số 1 của các đội bóng, trong mọi lối chơi. Thế nhưng huấn luyện viên Hữu Thắng mang đến SEA Games 29 chỉ có 1 tiền vệ có khả năng tranh chấp bóng tốt là Đỗ Duy Mạnh, còn lại chú trọng vào những tiền vệ có lối chơi kỹ thuật hoa mỹ nhưng lại yếu về khả năng tranh chấp bóng như Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh… Thậm chí khi Duy Mạnh chấn thương, đối đầu với Thái Lan huấn luyện viên Hữu Thắng vẫn sử dụng bộ đôi Xuân Trường - Tuấn Anh, mà không dùng Trần Hữu Đông Triều, một tiền vệ có khả năng tranh chấp bóng tốt hơn. Và hệ quả U22 Việt Nam dễ dàng bị U22 Thái Lan lấp át ở khu trung tuyến.
 
 
Tiếp theo, U22 Việt Nam đã quá phí sức trong những trận đấu trước U22 Timor-Leste, Campuchia và Philippines. Có thể dễ dàng thấy, huấn luyện viên Hữu Thắng đã dùng lực lượng mạnh nhất để đối đầu với 3 đối thủ được đánh giá yếu hơn rất nhiều này. Không chỉ vậy, còn quyết tâm thắng với tỷ số cao. Nhưng điều đó có cần thiết hay không? Những trận thắng đậm trước những đối thủ yếu rất dễ khiến cho người hâm mộ cảm thấy mãn nhãn, thỏa mãn với đội tuyển; nhưng lại càng dễ che đi thực tế hàng công đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, và các cầu thủ phải hao tổn sức lực một cách không cần thiết. Cứ xem U22 Indonesia và Thái Lan, không cần ghi bàn vào lưới Timor-Leste, Campuchia, Philippines nhiều như Việt Nam, U22 Indonesia vẫn cầm hòa với U22 Việt Nam trong thế thiếu người, và U22 Thái Lan dễ dàng đè đẹp U22 Việt Nam tới 3-0. Rất rõ ràng, hiệu quả về thị giác không giúp ích gì cho hiệu suất ghi bàn.
 
 
Và cuối cùng, huấn luyện viên Hữu Thắng không dám cho U22 Việt Nam chơi một thứ bóng đá thực dụng hơn. Hầu như chỉ 1 đội hình mạnh nhất sử dụng trong tất cả các trận, vậy tại sao không cất đi những cầu thủ quan trọng, hoặc rút khỏi sân cho nghỉ ngơi khi đã dẫn bàn khi đối đầu với những đối thủ yếu hơn. Làm như thế sẽ đỡ bị đối thủ bắt bài, và các trụ cột giữ sức, tránh chấn thương vô ích. Nhưng cứ như “sợ” U22 Việt Nam ghi được ít bàn thắng, các trụ cột cứ phải dốc hết sức mà đá, trong khi thể lực luôn là khuyết điểm của các cầu thủ Việt Nam.
 
 
Có thể thấy, huấn luyện viên Hữu Thắng đã quá chú trọng vào phần “diễn” của đội bóng, mà quên đi rằng mục tiêu của đội tuyển U22 Việt Nam là chiếc huy chương vàng môn bóng đá nam SEA Games 29, chứ không phải làm thỏa mãn phần nghe nhìn cho người hâm mộ bóng đá. Để bước lên ngôi vị cao nhất, sự thực dụng và hiệu quả luôn được đề cao, chứ không phải theo đuổi hoa mỹ phù phiếm, để rồi gục ngã ở những thời khắc quyết định. Đáng tiếc cho huấn luyện viên Hữu Thắng và U22 Việt Nam, bởi bóng đá vốn không phải là sàn diễn.
 
TRẦN KHÁNH