02:07, 19/07/2018

EU bắt tay Nhật Bản chống chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ

Việc ký Hiệp định FTA giữa EU và Nhật Bản là thông điệp mạnh mẽ gửi đến chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump...

Việc ký Hiệp định FTA giữa EU và Nhật Bản là thông điệp mạnh mẽ gửi đến chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
 
Sau hơn 4 năm đàm phán và không ít phen lỡ hẹn, cuối cùng, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức đặt bút ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tham vọng. Đây được đánh giá là thông điệp mạnh mẽ gửi đến chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
 
Mặc dù được khởi xướng từ năm 2013 nhưng cả quãng thời gian khá dài sau cuộc tiếp xúc đầu tiên, EU và Nhật Bản hầu như không đạt được tiến triển đáng kể nào trong việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, do còn tồn tại quá nhiều bất đồng.
 
Thế nhưng, bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử và tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lúc này, cả EU và Nhật Bản đều nhận thấy cần phải có cách tiếp cận khác để có thể ứng phó với chính sách bảo hộ mới của Mỹ. Kết quả là một Hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng đã ra đời.
 
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho EU
 
Việc Liên minh châu Âu ký Hiệp định tự do thương mại với Nhật Bản được châu Âu đánh giá là lịch sử bởi Hiệp định này không chỉ bao trùm các nền kinh tế chiếm đến 30% GDP của toàn thế giới mà còn cho phép đến 85% các sản phẩm công nghiệp thực phẩm của châu Âu thâm nhập vào thị trường Nhật Bản với thuế suất bằng 0. Đó là điều chưa từng có tiền lệ.
 
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích kinh tế và thương mại quan trọng với cả hai bên, điều quan trọng nhất với Liên minh châu Âu, đó là Hiệp định ký với Nhật Bản được coi là bước tiến lớn trong chiến lược thúc đẩy tự do thương mại ở quy mô toàn cầu của Liên minh châu Âu.
 
Hồi tháng 10/2017, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã công khai chiến lược này, trong đó nêu rõ việc ký các Hiệp định tự do thương mại với các đối tác trên toàn thế giới sẽ là chiến lược nền tảng của Liên minh châu Âu. Và thực tế là ngoài Nhật Bản thì châu Âu cũng đã và đang đàm phán để ký Hiệp định với các Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Việt Nam…
 
Tất nhiên, Hiệp định tham vọng nhất là ký với Mỹ. Vì thế, việc hoàn tất Hiệp định với Nhật Bản khẳng định bước tiến quan trọng của chiến lược này, đặc biệt trong bối cảnh các đàm phán để ký một Hiệp định thế kỷ về thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương với Mỹ đã đóng băng hoàn toàn gần 2 năm qua sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Ở thời điểm này, Hiệp định ký với Nhật Bản chính là Hiệp định thương mại lớn nhất mà châu Âu đạt được.
 
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, việc ký kết này mở ra ánh sáng tích cực cho nền chính trị quốc tế và là thông điệp mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
 

 

EU và Nhật Bản ký thỏa thuận thương mại tự do “lịch sử”(Ảnh: rte.ie).
EU và Nhật Bản ký thỏa thuận thương mại tự do “lịch sử”(Ảnh: rte.ie).
 
Vì FTA, Mỹ có thể trở lại TPP?
 
Việc các đàm phán Hiệp định liên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu rơi vào tình trạng đóng băng như hiện nay hoàn toàn là do phía Mỹ, khi chính quyền của ông Donald Trump chủ trương theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và thù địch với tự do thương mại.
 
Vì thế, muốn Hiệp định này được khởi động trở lại thì phía Mỹ phải là bên thay đổi. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay thì không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông Donald Trump sẽ thay đổi.
 
Cách đây hơn 2 tuần, ông Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và rất nhiều chuyên gia kinh tế ở châu Âu đều dự đoán là ông Trump cũng sẽ sớm khai chiến thương mại với châu Âu, xoay quanh việc áp thuế cao vào mặt hàng ô tô của các nước châu Âu.
 
Đầu tuần này, ông Trump cũng công khai tuyên bố rằng “Trung Quốc và châu Âu là các kẻ thù kinh tế của Mỹ”. Vì thế, rất khó hình dung là nước Mỹ của ông Trump lại sớm mở lại các đàm phán về tự do thương mại với một đối tác mà ông Trump xem là kẻ thù kinh tế.
 
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Hiệp định thương mại và đầu tư liên Đại Tây Dương đã hoàn toàn bị chôn vùi. Khả năng lớn nhất giúp nó có thể hồi sinh, cũng chính là từ ông Donald Trump. Nhìn vào cách hành xử của ông Trump thời gian qua thì có thể thấy Tổng thống Mỹ là người khó đoán. Với ông Trump thì tất cả đều có thể xảy ra, kể cả việc bắt tay với một đối tác mà ông vừa nhận xét là “kẻ thù”.
 
Vấn đề lớn nhất chi phối ông Trump là lợi ích của Mỹ. Nếu Mỹ cảm thấy thực sự bị tổn hại về kinh tế khi tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập, thù địch với tự do thương mại thì Mỹ sẽ phải thay đổi. Ngay khi nào thấy rằng việc ký Hiệp định liên Đại Tây Dương với châu Âu là có lợi, thì ông Donald Trump có thể đổi ý. Vấn đề là rất khó đoán định khi nào thì điều đó có thể xảy ra./.
 
Theo VOV