12:05, 16/05/2018

Thế giới Hồi giáo bước vào tháng lễ Ramadan 2018

Chỉ vài giờ đồng hồ nữa, khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới sẽ bước vào mùa chay tịnh Ramadan 2018.

Chỉ vài giờ đồng hồ nữa, khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới sẽ bước vào mùa chay tịnh Ramadan 2018.
 
Mọi công tác chuẩn bị cho mùa chay kéo dài một tháng này đang được người Hồi giáo khắp nơi gấp rút hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn giống như một vài năm trở lại đây, bức tranh về mùa Ramadan năm nay vẫn chỉ mang đậm 2 gam màu chính, tương phản, một góc tươi sáng của cuộc sống no đủ, giàu sang và một góc tối của những nơi chìm trong chiến tranh và bạo lực, kèm theo sự thiếu thốn và đói nghèo.
 
Theo lịch Hồi giáo tháng 9 hàng năm (tức tháng 5 theo Dương lịch) chính là tháng ăn chay Ramadan. Năm nay, mùa chay theo dương lịch được tính bắt đầu sớm nhất vào tối nay (15/5) và kết thúc vào ngày 14/6, tùy theo mỗi nước.
 

 

Ảnh minh họa: AP
Ảnh minh họa: AP
 
Tại Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, hầu hết người dân đã hoàn thành công việc mua sắm lương thực từ cuối tuần qua, bất chấp giá cả hàng hóa đã tăng cao vào dịp này, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho bữa ăn xả chay lúc mặt trời lặn - gọi là Iftar và bữa ăn trước khi mặt trời mọc – gọi là Suhur.
 
Nhu cầu mua sắm tăng cao do người dân thường tích trữ lương thực vào mùa này, đã đẩy giá cả nhiều mặt hàng hóa tăng theo. Điều này khiến nhiều người dân tại một số quốc gia Hồi giáo tỏ ra bất bình với khâu quản lý thị trường của Chính phủ.
 
Một người dân Pakistan chia sẻ: “Hôm nay tôi ra ngoài để mua thịt cho gia đình. Hôm qua, giá thịt rẻ hơn. Hôm nay họ bán với giá tăng cao. Đây là trách nhiệm của Chính phủ trong việc kiểm soát giá cả ổn định. Hoặc không, chính phủ cũng nên hỗ trợ giá nhiều hơn cho người dân trong tháng “phước lành” này”.
 
Được mua sắm hay có đủ tiền để mua sắm là hạnh phúc của rất nhiều người Hồi giáo may mắn. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn những người Hồi giáo không đủ khả năng cho một mùa chay “no đủ”. Xung đột và chiến tranh đã khiến cho hàng triệu tín đồ Hồi giáo mất đi những mùa chay “đúng nghĩa” xưa kia.
 
Trong khi đó, với hàng chục người Hồi giáo Palestine ngày 14/5 đã thiệt mạng tại Gaza, thân nhân của họ hôm nay sẽ phải bước vào mùa Ramadan với một nỗi buồn vô hạn, thậm chí đan xen cả sự thù hận đối với đất nước Israel. Thay vì được đến nhà thờ để đọc kinh Koran và cầu nguyện, hàng nghìn người Palestine đã xuống đường biểu tình trong “giận dữ”.
 
Còn với người Syria và Iraq, năm nay, có lẽ mùa chay Ramadan sẽ “khá” hơn so với vài năm trước khi họ dường như đã có được chiến thắng hoàn toàn trước tổ chức IS tự xưng. Người Iraq mới đây đã có một cuộc bầu cử dân chủ sau nhiều năm, nhằm tìm ra người lãnh đạo đất nước, bắt tay vào công cuộc tái thiết đầy hi vọng.
 
Tuy nhiên, người dân Syria vẫn chưa thể có một mùa chay “trọn vẹn” như vậy khi mà đất nước của họ vẫn bị chia rẽ bởi các phe nhóm chính trị, chưa có sự thống nhất. Dẫu vậy, trong dịp này, các hoạt động nhân đạo vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức nhân đạo và chính phủ mỗi quốc gia Hồi giáo có xung đột.
 
Mùa Ramadan, các tín đồ đạo Hồi sẽ dành nhiều thời gian của mình cho các công việc cầu nguyện tại nhà thờ, ăn chay và các hoạt động từ thiện. Mặt trời mọc, người Hồi giáo sẽ không được ăn uống, hút thuốc hay quan hệ tình dục cho tới khi mặt trời lặn, ngoại trừ các phụ nữ mang bầu, trẻ em nhỏ tuổi hay những người lao động chân tay vất vả.
 
Mục đích của các hoạt động chay tịnh này là để các tín đồ đạo Hồi thấu hiểu và cảm thông hơn đến những mảnh đời đang còn vất vả, chưa đủ ăn, đủ mặc, chịu nhiều khổ hạnh. Năm nay, lại một mùa Ramadan nữa, người Hồi giáo lại tiếp tục cầu nguyện cho hai chữ “Hòa bình” như câu nói họ vẫn chào nhau mỗi ngày –Al Salam./.
 
Theo VOV