04:04, 24/04/2018

Căng thẳng G7-Nga vẫn chưa thể hạ nhiệt

Căng thẳng ở mức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Nga một lần nữa được thể hiện rõ tại Hội nghị Ngoại trưởng G7.

Căng thẳng ở mức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Nga một lần nữa được thể hiện rõ tại Hội nghị Ngoại trưởng G7.
 
Hội nghị Ngoại trưởng G7 khai mạc tối 22/4 tại Toronto, Canada là lần đầu tiên các nước phương tây nhóm họp kể từ sau vụ liên quân Mỹ-Anh-Pháp không kích vào các cơ sở vũ khí hóa học ở Syria ngày 14/4 vừa qua.
 
Phương Tây cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al- đứng sau vụ tấn công giết chết hàng chục dân thường này. Tuy nhiên, Chính phủ Syria và Nga đều phủ nhận cáo buộc, đồng thời cáo buộc ngược lại phương Tây đã dàn dựng vụ việc để lấy cớ tấn công Syria.
 
Bên cạnh đó, góp phần vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng hiện nay giữa phương tây và Nga, còn có vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tại Anh mà Anh cho là có sự dính líu của Nga.
 

 

Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
 
Dù vụ việc vẫn đang trong vòng tranh cãi, song đã trở thành nguồn cơn châm ngòi cho các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa không chỉ giữa Nga và Anh, mà còn cả giữa Nga với các đồng minh ủng hộ Anh. Nga luôn bác bỏ các cáo buộc của phía Anh, đồng thời đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định sự vô can của mình.     
 
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đã thực sự xấu đi từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea hồi năm 2014. Các nước phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine và áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Những bất đồng với Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục được đưa vào tuyên bố chung của Hội nghị G7 đang diễn ra.   
 
Dự kiến, các ngoại trưởng G7 sẽ đưa ra tuyên bố cuối cùng vào tối 23/4, trong đó sẽ duy trì đường lối “không thỏa hiệp với Nga” và một mặt trận thống nhất để đối phó với Nga.
 
Một quan chức G7 tiết lộ, tuyên bố sẽ quy trách nhiệm cho Nga về những nỗ lực làm mất ổn định, ngầm ý nói tới sự can thiệp của Nga trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và tại nhiều nước châu Âu.
 
Tuy nhiên, các thành viên G7 dường như cũng vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga và hợp tác trong nhiều vấn đề quốc tế. Theo các nguồn tin, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Nga không có trong chương trình nghị sự của Hội nghị.
 
Trong một tuyên bố đưa ra ngay trước Hội nghị các Ngoại trưởng G7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thậm chí kêu gọi Nga giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria: "Chúng ta biết rằng cuộc xung đột Syria không thể giải quyết được nếu không có Nga. Do đó, chúng ta cần có Nga trong cuộc đối thoại này, nhưng Nga phải đưa ra những đề nghị mang tính xây dựng".
 
Có thể thấy, dù đang trong tình trạng căng thẳng nghiêm trọng, song cánh cửa đối thoại giữa G7 và Nga vẫn chưa bị đóng hẳn. Tuy nhiên, theo giới phân tích, quan hệ Nga phương Tây chưa thể hạ nhiệt trong tương lai gần, cho dù mới đây chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo với Đại sứ quán Nga ở Washington rằng, Mỹ chưa có kế hoạch áp đặt ngay lập tức các lệnh trừng phạt mới.
 
Sở dĩ G7 chưa tính đến việc bổ sung các lệnh trừng phạt mới chống Nga là bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng xấu tới các nỗ lực đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các thỏa thuận chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, kiểm soát Internet cùng các hồ sơ quốc tế nóng khác./.
 
Theo VOV