03:01, 12/01/2018

Mỹ tiếp tục giám sát thư điện tử và các cuộc điện thoại thêm 6 năm

Hạ viện Mỹ ngày 11/1 đã bỏ phiếu thông qua việc gia hạn thêm 6 năm chương trình giám sát của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Hạ viện Mỹ ngày 11/1 đã bỏ phiếu thông qua việc gia hạn thêm 6 năm chương trình giám sát của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
 
Với 256 phiếu thuận và 164 phiếu chống, Hạ viện Mỹ thông qua việc gia hạn Đạo luật Sửa đổi Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA) với những thay đổi không đáng kể.
 
Theo đó, Đạo luật này cho phép Chính phủ Mỹ thu thập thông tin, thư điện tử và băng ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại của người nước ngoài ở các nước khác, thậm chí ngay cả khi họ đang nói chuyện với người Mỹ, mà không cần sự cho phép của các công ty cung cấp dịch vụ mạng như Google và AT&T.
 

 

Chính phủ Mỹ được phép tiếp tục giám sát thư điện tử và các cuộc điện thoại. Ảnh: Reuters
Chính phủ Mỹ được phép tiếp tục giám sát thư điện tử và các cuộc điện thoại. Ảnh: Reuters
 
Việc phê duyệt này dường như sẽ chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm qua về công nghệ giám sát và quyền riêng tư, bắt đầu bùng nổ vào năm 2013 sau tiết lộ gây chấn động về chương trình thu thập thông tin do các cơ quan tình báo Mỹ tiến hành của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden.
 
 
Các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Hạ viện đã kêu gọi hoãn cuộc bỏ phiếu này sau khi Tổng thống Donald Trump đăng tải dòng trạng thái trên Twitter, tỏ ý nghi ngờ về bản chất của chương trình này. Tuy nhiên, các nghị sỹ Cộng hòa không đồng ý hoãn cuộc bỏ phiếu.
 
Ông Trump ban đầu viết rằng, chương trình giám sát này, vốn được thực hiện một cách bí mật sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 nhưng sau đó được hợp pháp hóa, đã từng được sử dụng để chống lại ông. Theo đó, chính quyền Dân chủ tiền nhiệm của ông Barack Obama có thể đã giám sát chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2016.
 
“Đây là hành động có thể đã từng được sử dụng, với sự trợ giúp của những hồ sơ không đáng tin và giả mạo, để giám sát một cách tồi tệ chiến dịch Trump của chính quyền tiền nhiệm hay các chính quyền khác?” Ông Trump viết.
 

 

Ông Trump đăng tải trạng thái trên Twitter, tỏ ý nghi ngờ chương trình giám sát. Ảnh: thedailybeast
Ông Trump đăng tải trạng thái trên Twitter, tỏ ý nghi ngờ chương trình giám sát. Ảnh: thedailybeast
 
Tuy nhiên, Trong một dòng trạng thái khác đăng tải sau đó chưa đầy 2 giờ, sau khi có cuộc trao đổi qua điện thoại với Lãnh đạo Hạ viện Paul Ryan, Ông Trump lại viết: “Với những gì đã nói, cá nhân tôi từ khi nắm quyền đã chỉ đạo việc sửa đổi quá trình tiết lộ sự thật và cuộc bỏ phiếu này là về chương trình giám sát những người nước ngoài đáng nghi và ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Chúng ta cần nó. Hãy khôn ngoan”.
 
Nhà Trắng hiện vẫn chưa phản hồi về những dòng trạng thái của ông Trump trên Twitter.
 
Mặc dù được Hạ viện phê duyệt, Đạo luật này vẫn phải được Thượng viện thông qua. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch Mc Connel ngày 11/1 cho biết, Thượng viện sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu trong tuần tới.
 
Nhà Trắng, các cơ quan tình báo Mỹ và lãnh đạo phe Cộng hòa tại Quốc hội cho biết, họ coi chương trình giám sát này là “không thể không có” và không cần phải xem xét lại.
 
Trong một tuyên bố, Ông Mc Connell nói rằng: “Cộng đồng tình báo và Bộ Tư pháp phụ thuộc vào những cơ quan thiết yếu này để bảo vệ an ninh nội địa và đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ”.
 
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Rand Paul và Thượng nghị sỹ Dân chủ Ron Wyden ngay lập tức kêu cản trở dự luật này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ họ có thể thuyết phục các nghị sỹ khác hay không./.
 
Theo VOV