11:12, 30/12/2017

Quan hệ Nga-Nhật lại đứng trước sóng gió quanh hệ thống Aegis Ashore

Hôm 29/12, Nhật Bản lên tiếng bảo vệ quyết định mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.

Hôm 29/12, Nhật Bản lên tiếng bảo vệ quyết định mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.
 
Điều này vẫn không tránh được sự chỉ trích của Nga khi cho rằng, hành động này của Nhật Bản sẽ gây tổn hại tới các cuộc đàm phán giữa Nga và Nhật Bản về việc ký kết hiệp định hòa bình.
 
Trong tuyên bố hôm 29/12, Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định: "Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở Nhật Bản hoàn toàn là một hệ thống phòng thủ bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân do đất nước chúng tôi quản lý. Nó không phải là mối đe dọa cho Nga hay bất kỳ nước nào khác ở quanh Nhật Bản."
 
Nhật Bản đã thông báo điều này trong chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tháng 11 vừa qua, khi ông tiếp xúc với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
 

 

Hệ thống Aegis Ashore. Ảnh: 6th Fleet.
Hệ thống Aegis Ashore. Ảnh: 6th Fleet.
 
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng nhấn mạnh, Nhật Bản vẫn như trước "cương quyết dự định đàm phán để xác định quyền sở hữu bốn hòn đảo" theo tiếng Nhật là Kunashir, Etorofu, Habomai và Shikotan, cũng như "ký hiệp ước hòa bình với Nga."
 
Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, quan hệ Nga và Nhật Bản lại đứng trước “sóng gió”, do việc Nhật Bản tuyên bố triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ hôm 19/12.
 
Bà Zakharova phát biểu: “Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên thực tế sẽ đồng nghĩa với việc Washington vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Hành động như vậy sẽ trực tiếp mâu thuẫn với các ưu tiên xây dựng niềm tin quân sự và chính trị giữa Nga - Nhật Bản. Và không may, điều đó gây ảnh hưởng xấu tới toàn bộ bầu không khí trong quan hệ song phương, bao gồm vấn đề liên quan tới hiệp ước hòa bình". 
 
Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ Thế chiến thứ 2 kết thúc song Nga và Nhật Bản vẫn chưa thể đạt được một hòa ước và về mặt lý thuyết hai bên đang trong tình trạng chiến tranh.
 
Rào cản lớn nhất khiến hai nước không thể chính thức bình thường hóa quan hệ được cho là vấn đề lãnh thổ. Tranh chấp quần đảo Kuril - theo cách gọi của Nga, hay Lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi phía Nhật) phát sinh từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
 
Nga tuyên bố mọi hòn đảo thuộc quần đảo Kuril đều thuộc lãnh thổ Nga, còn Nhật Bản cho rằng 4 hòn đảo ở cực nam thuộc chủ quyền của họ. Bế tắc vẫn tồn tại đến ngày nay do hai bên không thể đạt được đồng thuận trong vấn đề này.
 
Nga đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, đồng thời tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ các động thái liên quan. Một nguồn thạo tin tiết lộ, lực lượng phòng thủ Nga đã sẵn mọi kịch bản nếu hệ thống Aegis Ashore tại Nhật Bản không chỉ dùng để phòng thủ.
 
Dự kiến, hai hệ thống Aegis Ashore nêu trên sẽ được đưa vào hoạt động trước năm tài khóa 2023. Aegis Ashore là phiên bản trên mặt đất của hệ thống tác chiến Aegis được phát triển cho các tàu chiến. Đây là một hệ thống gồm các radar, máy tính và tên lửa. Hệ thống "lá chắn" tên lửa này có tầm bao phủ toàn lãnh thổ Nhật Bản và được trang bị hệ thống đánh chặn thế hệ mới SM-3 Block 2A với tầm phủ sóng và độ chính xác cao hơn so với phiên bản SM-3 trên tàu khu trục Aegis.
 
Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, mỗi hệ thống Aegis Ashore do Tập đoàn Vũ khí Lockheed Martin của Mỹ chế tạo sẽ tốn ít nhất 100 tỷ yen (khoảng 888 triệu USD). Hiện tại, Nhật Bản đã có hai lớp phòng thủ tên lửa là tàu khu trục Aegis của Lực lượng Bảo vệ bờ biển được trang bị hệ thống đánh chặn SM-3 và hệ thống đánh chặn mặt đất PAC-3./.
 
Theo VOV