05:11, 24/11/2017

Đàm phán NAFTA: Khi 'cái tôi' quá lớn

Trải qua 5 vòng đàm phán, 3 nước thành viên là Mexico, Mỹ và Canada vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho FTA này. Vòng đàm phán thứ 5 vừa kết thúc tại Mexico với nhiều bất đồng lớn chưa được giải quyết.

Trải qua 5 vòng đàm phán, 3 nước thành viên là Mexico, Mỹ và Canada vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho FTA này. Vòng đàm phán thứ 5 vừa kết thúc tại Mexico với nhiều bất đồng lớn chưa được giải quyết.
 
Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada) đã phải đàm phán lại, sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền ở nước Mỹ và ông chỉ trích rằng đây là một “thỏa thuận tồi”. Việc đàm phán lại NAFTA là nhằm “lấy lại sự công bằng” cho nước Mỹ, giúp Washington giảm thâm hụt thương mại với các nước Canada và Mexico. Tuy nhiên, trải qua 5 vòng đàm phán, 3 nước thành viên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho FTA này.
Theo CNN, sau vòng đàm phán NAFTA thứ 5 vốn kết thúc vào ngày 22/11, hoạt động tái đàm phán thỏa thuận này chỉ còn 2 vòng nữa. Dù vậy, hiện chưa có tiến bộ nào về các vấn đề gây chia rẽ trên bàn đàm phán.
 
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay: “Dù chúng tôi đã có vài tiến bộ trong nỗ lực hiện đại hóa NAFTA, tôi vẫn lo về việc thiếu sự thay đổi. Chúng tôi chưa có bằng chứng nào cho thấy Canada và Mexico sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc vào các điều khoản sẽ dẫn đến thỏa thuận cân bằng hơn”.
 
 
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland  cho biết Mỹ đã đưa ra “nhiều đề xuất cực đoan” mà họ không thể chấp nhận. “Một số đề xuất mà chúng tôi đã nghe không chỉ có hại cho Canada mà còn bất lợi cho Mỹ”, bà Freeland nói, trích dẫn quan ngại về các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ và Canada.
 
Bộ Kinh tế Mexico thì chưa trả lời yêu cầu bình luận sau khi cuộc đàm phán NAFTA vòng 5 kết thúc, dù quan chức nước này có chỉ trích đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
 
Các nguồn tin từ Mexico cho biết, tại vòng đàm phán lần này, vấn đề gai góc về xuất xứ sản phẩm, nổi bật là đề xuất của Mỹ về tăng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với sản xuất ô-tô từ 62,5% hiện nay lên 85%, trong đó ít nhất 50% tỷ lệ nội địa Mỹ, đã được các bên tiếp tục thảo luận mà không có bất kỳ tiến triển nào.
 
Hai thành viên này cảnh báo việc Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi quan điểm cứng rắn trên sẽ dẫn tới sự đổ vỡ của Vòng 5 tái đàm phán NAFTA và khi đó Mỹ sẽ mất từ 24.000 đến 50.000 việc làm trong ngành ôtô.
 
Các quan chức của Mexico cho rằng yêu sách trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm ngăn chặn dòng chảy việc làm trong lĩnh vực ôtô của Mỹ sang Mexico và đảo ngược thâm hụt thương mại trên 60 tỷ USD/năm với quốc gia này.
 
Mặt khác, trưởng đoàn đàm phán Mexico, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo, đề xuất đánh giá kỹ lưỡng lại NAFTA 5 năm/lần nhằm thay cho đề xuất tự động hết hạn của Mỹ.
 
Theo ông Guajardo, đề xuất của Mexico là “một cơ chế đánh giá nghiêm ngặt hơn” so với cơ chế hiện nay. Theo quy định hiện nay, mỗi quốc gia có quyền rời khỏi NAFTA nếu muốn. Đề xuất này của Mexico được phía Canada ủng hộ.
 
Ngay trong ngày đàm phán đầu tiên của vòng 5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mục tiêu tái đàm phán NAFTA đã điều chỉnh, chủ yếu phản ánh yêu cầu mà phía này từng đưa ra trong các vòng trước và đặc biệt giữ nguyên mục tiêu quan trọng nhất là giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và 2 thành viên còn lại.
 
Ông Trump đổ lỗi NAFTA khiến người Mỹ mất hàng trăm nghìn việc làm, chủ yếu là việc làm ngành sản xuất. Ngoài ra, NAFTA còn là nguyên nhân khiến Mỹ có thâm hụt thương mại gia tăng với Mexico, đạt 60 tỷ USD hồi năm ngoái. Với Canada, Mỹ thặng dư thương mại một chút.
 
Dù vậy, có nghiên cứu chỉ ra rằng NAFTA không khiến công việc “di cư” khỏi Mỹ. Giới kinh tế học thương mại cho hay tự động hóa và công nghệ tiên tiến mới là lý do “giết chết” hàng triệu việc làm.
 
Phòng Thương mại Mỹ cho biết 14 triệu việc làm nước này phụ thuộc vào thương mại với Canada và Mexico, vốn bùng nổ từ khi NAFTA trở thành luật vào năm 1994.
 
Hiện tại, Mỹ và Canada cũng căng thẳng về vấn đề gỗ xuất khẩu vốn kéo dài nhiều thập niên. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa áp thuế cao đến 18% lên gỗ Canada. Hai nước cũng có tranh chấp hàng không giữa hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing và đối thủ Canada Bombardier. Cả 3 bên Mỹ, Canada và Mexico sẽ gặp gỡ lần nữa vào tháng 12, song vòng đàm phán kế tiếp sẽ không diễn ra đến ngày 23-28/1 ở Montreal (Canada).
 
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP thay thế TPP) vừa đạt được thỏa thuận quan trọng tại Đà Nẵng (Việt Nam) có thể gây bất lợi cho Mỹ trong quá trình đàm phán lại NAFTA. Bởi vì, Mexico và Canada đều là thành viên của thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã từ bỏ. Theo hiệp định mới, các nước CPTPP đã thống nhất tạm dừng thực hiện một số điều khoản trong TPP mà Mỹ từng thúc đẩy. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với việc tham gia CPTPP, Mexico và Canada đã bắt đầu thực hiện chiến lược đa dạng hóa đối tác truyền thống và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
 
Những cảnh báo về “tác dụng phụ” của việc NAFTA đổ vỡ với kinh tế Mỹ nêu trên cũng như việc CPTPP đạt được bước tiến mới cho thấy Mỹ không hoàn toàn ở thế thượng phong so với Mexico và Canada trong đàm phán. Bởi vậy, khi “già néo đứt dây”, NAFTA đổ vỡ và Mexico, Canada tìm kiếm các FTA mới với các đối tác trong CPTPP thì rất có thể nước Mỹ lại chính là nạn nhân lớn nhất.
 
Theo baochinhphu.vn