05:09, 01/09/2017

Các bên chia rẽ sâu sắc sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa

Trong khi Mỹ-Nhật-Hàn đều tính đến các biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với Triều Tiên thì Nga-Trung lại tuyên bố ưu tiên các giải pháp hòa bình.

Trong khi Mỹ-Nhật-Hàn đều tính đến các biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với Triều Tiên thì Nga-Trung lại tuyên bố ưu tiên các giải pháp hòa bình.
 
Trong động thái mới nhất được xem là nhằm thị uy sức mạnh cũng như là lời cảnh báo gửi tới Triều Tiên, Quân đội Mỹ đã điều nhiều máy bay tối tân tới bán đảo Triều Tiên để tham gia tập trận với Hàn Quốc, trong khi Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục.
 
Theo Không quân Hàn Quốc, cuộc diễn tập không liên quan tới cuộc tập trận chung hàng năm “Người Bảo vệ Tự do Ulchi” vừa kết thúc ngày hôm qua (31/8), mà là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Triều Tiên sau các hành vi phóng tên lửa đạn đạo liên tục tái diễn, cũng như chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
 

 

 Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Reuters
 
Cuộc tập trận diễn ra tại tỉnh Gangwon, cách khu vực phi quân sự nằm giữa biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên khoảng 150km về phía Nam. Hai máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ từ đảo Guam và 4 máy bay chiến đấu F-35B đóng tại Nhật Bản đã tham gia cuộc diễn tập cùng một phi đội máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc.
 
Trong một phản ứng mới nhất, Triều Tiên đã gọi đây là những hành động "liều lĩnh", đồng thời bác bỏ tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ phóng tên lửa mới đây của nước này cho rằng đây là sự vi phạm quyền tự vệ của một nước có chủ quyền.
 
Nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong Chol nói: “Nếu Mỹ không hành động thận trọng và vẫn tìm cách chống Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện những biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn.
 
Bất kỳ biện pháp trừng phạt hay gây sức ép nào nhằm cô lập Triều Tiên đều sẽ thất bại. Chúng tôi bác bỏ mạnh mẽ những tuyên bố phi lý của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về Triều Tiên hòng rũ bỏ toàn bộ trách nhiệm của những căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên”.
 
Cũng trong ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị một ngân sách kỷ lục cho quốc phòng năm tới, nhằm hoàn thiện hệ thống lá chắn chống tên lửa, để đối phó với nguy cơ tên lửa từ Triều Tiên.
 
Theo đó, tổng ngân sách mà bộ Quốc Phòng Nhật Bản đề nghị cho năm tài chính – bắt đầu từ tháng 04/2018 đến tháng 04/2019 – là 5.255 tỉ yên (tương đương 40 tỉ USD), tăng 2,54% so với năm ngoái.
 
Vài giờ trước đó, Triều Tiên cảnh báo Nhật Bản “đang nhanh chóng trên đường đi tới chỗ hủy diệt” vì đã “ủng hộ” Mỹ chống lại nước này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tuyên bố, sẽ còn tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa khác, và hướng bắn ra Thái Bình Dương.
 
Giữa lúc căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, thì sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế trong giải quyết hồ sơ này cũng ngày càng trở nên sâu sắc. Nếu như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tối 29/08 đã cho thấy sự đồng lòng khi nhất trí lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, thì cộng đồng quốc tế lại đang cho thấy sự chia rẽ liên quan tới cách hành xử với nước này.
 
Thời gian qua Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không ngừng hối thúc cộng đồng quốc tê tăng cường mức độ trừng phạt chống Triều Tiên, đồng thời quyết định dành nhiều phương tiện hơn cho quốc phòng. Lập trường này nhận được sự ủng hộ của Anh.
 
Tại cuộc gặp ngày 31/8 với nhà lãnh đạo Nhật Bản, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, cần phải đảm bảo rằng, những cảnh báo của quốc tế không chỉ dừng lại ở lời nói mà là hành động: “Chúng tôi lên án Triều Tiên bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất chống lại những hành vi liều lĩnh của nước này, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
 
Nhằm đáp trả hành vi bất hợp pháp này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tôi đã nhất trí làm việc cùng nhau và phối hợp với các nước khác  nhằm tăng cường sức ép  với Triều Tiên, bao gồm cả  việc tăng cường các lệnh trừng phạt đang được tiến hành hiện nay, cũng như thúc đẩy thông qua các nghị quyết mới tại Hội đồng Bảo an”.
 
Theo VOV