06:09, 09/09/2016

Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.


Chương trình xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đề ra nhiều mục tiêu cụ thể. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có 56,4% số xã đạt tiêu chí về thu nhập, 100% số xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, 75% số xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới chuẩn quy định của tiêu chí hộ nghèo trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, 85% số xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.

 

Việc dồn điền, đổi thửa sẽ thuận lợi  trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Việc dồn điền, đổi thửa sẽ thuận lợi trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp


Để đạt được chỉ tiêu về thu nhập, vấn đề đặt ra là phải tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ở khu vực nông thôn, miền núi… thông qua công tác khuyến nông, khuyến công; thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa ở những vùng sản xuất, trồng trọt tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông thôn; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế… Liên quan đến việc đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, công tác đào tạo nghề phải gắn với các mô hình, dự án sản xuất có hiệu quả; tạo điều kiện cho lao động nông thôn chuyển dịch việc làm sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoặc chuyển đổi sang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp…

 

Năm 2011, trong tổng số 94 xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, mới có 9 xã đạt tiêu chí thu nhập, 12 xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, 10 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, 53 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất. Đến cuối năm 2015, có 38 xã đạt tiêu chí thu nhập, 64 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 91 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, 76 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.

Đối với vấn đề tỷ lệ hộ nghèo, khi chuyển từ tiếp cận đo lường từ đơn chiều sang đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo ở các xã xây dựng NTM đều tăng lên, đây cũng là lý do khiến nhiều địa phương, nhất là các xã miền núi hết sức lo lắng khi phấn đấu thực hiện tiêu chí hộ nghèo. Để giảm nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh chú trọng thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách, pháp luật về giảm nghèo của Trung ương và chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh; ưu tiên vốn hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo để xây dựng các mô hình sản xuất. Ngoài ra, Đề án “Giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” đang được UBND tỉnh xây dựng để đề nghị HĐND tỉnh thông qua và triển khai thực hiện. Đối với việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, sẽ có chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; phát triển sản xuất gắn với việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất như: doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại…


Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh kế hoạch hành động thực hiện “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh. Muốn thực hiện điều này, cần xác định ít nhất một sản phẩm chủ lực, có ưu thế của địa phương (cây trồng, vật nuôi, ngành nghề…) để phát triển sản xuất hàng hóa. Trước mắt, tập trung vào những ngành hàng mà địa phương đang làm, có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, các mặt hàng gia công, chế biến nông lâm thủy sản; phấn đấu mỗi xã có ít nhất một mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để liên kết, hỗ trợ cho sản xuất hàng hóa; nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho nông dân góp cổ phần bằng đất đai để liên kết sản xuất với doanh nghiệp, giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người dân.


H.L